Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19302

Cuộc chiến chống lại phiến quân Papua Kỳ 3: Và dấu hỏi về OPM

Cái chết của Thiếu tướng I Gusti Putu Danny Karya Nugraha- Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Indonesia (BIN) tại tỉnh Papua hôm 25-4 đã khiến chính quyền Jakarta khẩn cấp thiết lập cuộc vận động các nghị sĩ đưa Phong trào tự do Papua (OPM) vào danh sách các nhóm khủng bố.

Papua có chung biên giới với Papua New Guinea độc lập trên đảo New Guinea nằm ngay phía Bắc Australia. Từng là thuộc địa của Hà Lan, Papua tuyên bố độc lập vào năm 1961, nhưng Indonesia đã nắm quyền kiểm soát khu vực này 2 năm sau đó với lời hứa tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Papua được hợp nhất vào Indonesia vào năm 1969 sau một cuộc bỏ phiếu do Liên Hợp Quốc quản lý được gọi là Đạo luật lựa chọn Tự do. Nhiều người Papua và các nhóm vũ trang cho rằng cuộc bỏ phiếu là một trò giả tạo và không chấp nhận kết quả này. Vì thế khu vực trở này trở thành nơi xung đột vũ trang thường xuyên.

Các thành viên của OPM đụng độ với cảnh sát Indonesia hồi năm 2019

Còn OPM là một thuật ngữ bao trùm cho phong trào giành độc lập được thành lập vào năm 1965 ở lãnh thổ Tây Papua hoặc Tây New Guinea, hiện đang được Indonesia quản lý như các tỉnh Papua và Tây Papua. Phong trào bao gồm ba yếu tố: một nhóm đơn vị vũ trang khác nhau, mỗi đơn vị có quyền kiểm soát lãnh thổ hạn chế mà không có chỉ huy duy nhất; một số nhóm trên lãnh thổ tiến hành các cuộc biểu tình và phản đối; và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động ở nước ngoài. Bất chấp kết quả cuộc bỏ phiếu năm 1969, các chỉ huy của OPM gồm Seth Jafeth Roemkorem và Jacob Hendrik Prai đã lên kế hoạch tuyên bố độc lập cho người Papua vào năm 1971, thành lập nước Cộng hòa Tây Papua và soạn thảo hiến pháp mới. Nhưng rồi chính trong nội bộ OPM lại trở nên chia rẽ, lập thành hai phe: PEMKA do Prai lãnh đạo và TPN do Roemkorem lãnh đạo.

Từ năm 1976, các quan chức tại công ty khai thác mỏ Freeport Indonesia nhận được thư từ OPM đe dọa công ty và yêu cầu hỗ trợ trong một cuộc nổi dậy đã lên kế hoạch vào mùa xuân. Công ty từ chối hợp tác với OPM và đến từ tháng 7 đến tháng 9-1977, quân nổi dậy OPM đã thực hiện các mối đe dọa chống lại Freeport, cắt các đường ống dẫn nhiên liệu, cắt đứt điện thoại và cáp điện, đốt phá một nhà kho, và kích nổ tại các cơ sở khác nhau. 6 năm sau, Hội đồng cách mạng OPM (OPMRC) được thành lập và dưới sự chủ trì của Moses Werror. Năm 1984 OPM đã tổ chức một cuộc tấn công vào Jayapura, thủ phủ của tỉnh và một thành phố khác. Cuộc tấn công nhanh chóng bị đẩy lùi bởi quân đội Indonesia. Những năm 1990, OPM đã bắt các con tin người châu Âu và Indonesia, đầu tiên là một nhóm nghiên cứu và sau đó tấn công trại khai thác gỗ. Tháng 7-1998, OPM đã giương cao lá cờ độc lập của họ tại tháp nước Kota Biak trên đảo Biak nhưng sau đó vài ngày thì bị quân đội Indonesia giải tán.

Bẵng đi một thời gian, đến năm 2010 trở đi, bạo lực liên quan đến OPM lại bùng phát. Hàng loạt cuộc tấn công đã thúc đẩy việc Indonesia triển khai thêm quân đội tới khu vực này. Tháng 1-2012, OPM tiến hành một cuộc tấn công vào xe buýt khiến ba thường dân và một thành viên của lực lượng an ninh Indonesia thiệt mạng, 4 người khác bị thương. Tháng 4 -2012, các nguồn tin truyền thông Indonesia cáo buộc các thành viên có vũ trang của OPM đã thực hiện một cuộc tấn công vào máy bay dân sự của hãng Trigana Air sau khi hạ cánh tại sân bay Mulia ở Puncak Jaya, Papua. 5 tay súng có vũ trang của OPM bất ngờ nổ súng vào chiếc máy bay đang di chuyển, khiến nó mất kiểm soát và đâm vào một tòa nhà. Tháng 12 -2018, một nhóm vũ trang có quan hệ với OPM đã bắt cóc 25 công nhân xây dựng dân sự ở khu vực Nduga, Papua. Ngày hôm sau, họ giết chết 19 công nhân và một binh sĩ. Các công nhân này đang xây dựng một phần của đường cao tốc Trans Papua nhằm mục đích kết nối các cộng đồng xa xôi ở Papua. Vài ngày sau vụ việc, OPM được cho là đã gửi một bức thư ngỏ tới Tổng thống Indonesia Joko Widodo, yêu cầu Papua độc lập, từ chối các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của chính phủ trung ương. Từ năm 2019 đến nay, các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra và bạo lực cũng gia tăng.

HC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *