Sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ở Hải Dương. |
Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng tiến bộ công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà còn giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển.
- Sáng tạo, lan tỏa hình ảnh Việt Nam, giá trị Việt Nam, trí tuệ Việt Nam ra thế giới
- Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng
- Quảng Trị tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho cộng đồng
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và một số nội dung quan trọng
Nông dân tiếp cận công nghệ số
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thành lập năm 2016, đến nay có 66 thành viên với vùng sản xuất chứng nhận VietGAP và Global GAP là 17,8 ha. Các sản phẩm của hợp tác xã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ, bảo đảm minh bạch và an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm được tiêu thụ theo hợp đồng với giá ổn định. Sản phẩm sau khi sơ chế, đóng gói được dán tem QR code giúp truy xuất nguồn gốc của từng hộ sản xuất và từng thửa ruộng.
Hiện nay, sản phẩm rau, củ của hợp tác xã đã được bày bán tại nhiều siêu thị, trường học, bệnh viện… ở Hà Nội và 12 địa phương phía bắc. Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2024, lượng rau củ hợp tác xã thu mua của các thành viên khoảng 896 tấn, doanh thu đạt 21,5 tỷ đồng, ước cả năm là 27 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2023.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Hoàng Văn Thám cho biết: “Để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kinh tế, Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, trong đó có lắp trạm cảnh báo thời tiết (Imetos) nhằm giúp các thành viên thường xuyên cập nhật các dữ liệu về: Nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… vào điện thoại. Từ đó, các hộ chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời điểm gieo hạt, tránh lãng phí vật tư, tăng 20% hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, các thành viên chủ động sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để điều khiển hệ thống tưới giúp tiết kiệm tối đa phân bón và nhân công, bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng. Bên cạnh đó, hợp tác xã phối hợp Công ty Sorimachi Nhật Bản triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Việc này giúp định vị thửa ruộng của nông dân, vẽ sơ đồ diện tích thực tế của hộ sản xuất trên bản đồ vệ tinh; nhập toàn bộ dữ liệu về diện tích sản xuất, giá mua vật tư đầu vào, giá nhân công…; quản lý và kiểm tra toàn bộ thông tin nhật ký sản xuất của hộ nông dân trên phần mềm. Cùng với đó, sau khi nông dân nhập đầy đủ thông tin nhật ký sản xuất như ngày làm đất, gieo hạt, bón phân, thu hoạch… trên điện thoại thông minh, sẽ biết được giá thành sản phẩm, từ đó tính được lợi nhuận. Ngoài ra, các hộ cũng tự phân tích được các yếu tố làm tăng chi phí để điều chỉnh kế hoạch và quy trình bảo đảm sản xuất hiệu quả hơn”.
Với chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, thông tin, đào tạo người dân nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ thông qua hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước; đây là cầu nối để đưa chuyển đổi số tiếp cận gần hơn với nông dân, giúp quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn.
Tại tỉnh Bắc Giang, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang có những chuyển dịch từ nuôi quảng canh, diện tích nhỏ, sản lượng thấp sang nuôi chuyên canh, thâm canh áp dụng VietGAP. Nhiều nơi người dân đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất giúp nâng cao chất lượng, năng suất cá nuôi. Trước đây, việc cho cá ăn, mở máy tạo ô-xi, anh Nguyễn Văn Chính tại xã An Dương, huyện Tân Yên phải làm thủ công cho nên rất vất vả và mất thời gian. Từ khi áp dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, toàn bộ công việc đều được anh điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Anh Chính chia sẻ: “Nhờ chuyển đổi số, chúng tôi theo dõi được độ pH trong ao nuôi, môi trường nước, lượng ô-xi cụ thể hơn việc đo bằng phương pháp thủ công như trước. Từ đó giúp giám sát mức sinh trưởng của cá và theo dõi nguồn bệnh, nguyên nhân gây bệnh để xử lý kịp thời, giúp cá phát triển tốt, đạt năng suất cao”.
Nhiều thách thức phía trước
Nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta còn nhiều thách thức nhưng đó cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững, gia tăng giá trị, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số đang được thực hiện trong các lĩnh vực như: Trồng trọt với cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng; công nghệ IoT, Big Data, AI đã được ứng dụng để quản lý, phân tích môi trường, chủng loại, giai đoạn phát triển của cây phục vụ việc truy xuất nguồn gốc và theo dõi quá trình sinh trưởng theo thời gian thực.
Lĩnh vực chăn nuôi với công nghệ IoT, sinh học, blockchain được ứng dụng rộng rãi trong các trang trại chăn nuôi; lĩnh vực lâm nghiệp với công nghệ GIS và ảnh viễn thám được sử dụng để giám sát, theo dõi diễn biến rừng, mất rừng, suy thoái rừng và phát hiện sớm, cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ sinh. Trong kết nối chuỗi giá trị, chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới, có sự liên kết chuỗi giá trị…
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, ban hành các đề án, văn bản về chuyển đổi số; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân viên về chuyển đổi số; xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở các đơn vị…
Phó Trưởng phòng Công nghệ số Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Chuyển đổi số ở ngành nông nghiệp mặc dù đã có những kết quả tích cực nhưng bên cạnh đó còn những khó khăn, thách thức. Sự lúng túng và nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số của chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhất là các hợp tác xã, hộ nông dân đang là vấn đề lớn. Chuyển đổi số đòi hỏi phải có hạ tầng số đồng bộ, hiện đại (cả hạ tầng về IT và ICT). Mặt khác, còn thiếu cơ sở dữ liệu lớn về ngành nông nghiệp như: Cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, văn bản chính sách…”.
Hơn nữa, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp còn rời rạc, thiếu kết nối, tích hợp và chia sẻ với nhau; sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thám cho rằng: “Hiện nay, nhận thức của cán bộ quản lý hợp tác xã, nông dân và cả cơ quan quản lý cấp huyện, cấp xã về ứng dụng công nghệ số trong hợp tác xã còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất để chuyển giao ứng dụng công nghệ số cho các hợp tác xã. Bên cạnh đó, nhân lực quản trị và chuyên môn của các hợp tác xã còn thiếu và yếu cho nên việc ứng dụng hệ thống quản trị thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, hệ thống kế toán gặp khó khăn; ứng dụng công nghệ số cần vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, trong khi vốn của hợp tác xã còn thiếu; sự lan tỏa ứng dụng công nghệ số trong các hợp tác xã chậm và chưa thật sự hiệu quả”.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và người dân cần thúc đẩy phát triển nền tảng số nông nghiệp, nông thôn bằng việc chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, xây dựng nền tảng số dùng chung…
Cùng với đó, cần hình thành nền tảng số nông nghiệp nhằm kết nối, quản lý chuỗi cung ứng, logistics, thanh toán trực tuyến… phục vụ sản xuất, kinh doanh hiệu quả; thay đổi nhận thức về chuyển đổi số cho người dân thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức; tiếp tục xây dựng thành công mô hình điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… để nhân rộng ra nhiều địa phương; ưu tiên, hỗ trợ các hợp tác xã trong tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất; nghiên cứu chuẩn hóa cấu trúc cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành có thể tích hợp, chia sẻ giữa hệ thống thông tin của các đơn vị trong ngành và các cấp chính quyền; nghiên cứu, xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ blockchain…