Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14622

Chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Hiến pháp năm 2013, Việt Nam có bước tiến mới trong việc mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cụm từ “quyền công dân” được thay bằng quyền con người”. Khẳng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm theo công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngay từ giai đoạn 1945 – 1975,  là giai đoạn lịch sử đầy cam go, gian khổ vì cùng một lúc Việt Nam phải thực hiện 2 nhiệm vụ cách mạng: kháng chiến chống Pháp, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; kháng chiến chống Mỹ – Ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vừa phải đối diện với vấn đề lợi dụng tôn giáo của thực dân, đế quốc, nhưng Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945 “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Một năm sau, Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã ghi “Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng”. Đến Sắc lệnh 234/SL, ngày 14/6/1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm nhất quán “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy”. Các Hiến pháp sau này Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK năm 2008

Đến Hiến pháp năm 2013, Việt Nam có bước tiến mới trong việc mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cụm từ “quyền công dân” được thay bằng quyền con người”. Khẳng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm theo công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh quan điểm nhất quán và xuyên suốt về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam còn từng bước nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo trong đời sống xã hội Việt Nam. Quan điểm trên được thể hiện trong suốt hơn 30 năm kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới công tác tôn giáo và được ghi dấu bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16/10/1990 về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” với hai quan điểm: (1) tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; (2) đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới. Trên phương diện chỉ đạo và quản lý nhà nước về tôn giáo Nghị quyết đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải quan tâm giải quyết một cách hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo đề chống lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là những quan điểm rất quan trọng đặt tiền đề cho việc đổi mới công tác tôn giáo trong những giai đoạn sau của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 24, tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII khoá IX, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW, ngày 12/3/2003 Về công tác tôn giáo tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo của Nghị quyết số 24: (1) khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; (2) đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (không chỉ còn lực lượng cách mạng đơn thuần mà còn là khối quần chúng không thể thiếu, không tách rời của dân tộc Việt Nam); (3) giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với tổ quốc và nhân dân (từ việc nhìn nhận giá trị đạo đức đến việc phải giữ gìn và phát huy giá trị đó).

Sau 15 năm ban hành Nghị quyết số 25, ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung của Chỉ thị không chỉ tiếp tục khẳng định giá trị các quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo trong Nghị quyết số 25 mà còn nâng lên một bước nhận thức về giá trị của tôn giáo là: “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”. Với quan điểm này Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục quan tâm/nhận thức thấu đáo hơn về tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, bao trùm lên các thời kỳ phát triển đất nước, Việt Nam luôn đề ra chính sách nhất quán về tôn giáo là “tôn trọng và bảm đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” đồng thời luôn nhận thức và đặt vai trò của tôn giáo ở những vị trí thích hợp theo một lộ trình từ: Nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo đến Giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo đến  Nhìn nhận tôn giáo là nguồn lực trong quá trình phát triển đất nước.. Riêng quan điểm coi tôn giáo là nguồn lực vừa mới, vừa là bước đột phá tiếp theo của Việt Nam trên con đường đổi mới nhận thức về tôn giáo trong bối cảnh mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *