Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
4271

Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc về vấn đề Hoàng Sa

Việc lợi dụng vấn đề chủ quyền Hoàng Sa để lên án Nhà nước và bôi nhọ chế độ là một thủ đoạn thường xuyên của các cá nhân và nhóm chống đối. Trong thời gian gần đây, đặc biệt quanh các sự kiện nhạy cảm như kỷ niệm Hải chiến Hoàng Sa hoặc các vụ việc liên quan đến ngư dân, các hoạt động này có xu hướng gia tăng trên mạng xã hội và các kênh thông tin thiếu thiện chí với Nhà nước Việt Nam. Họ cho rằng chính quyền không cho phép tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa công khai là bằng chứng của sự “hèn nhát” hoặc “phụ thuộc” vào Trung Quốc. Họ xuyên tạc rằng  Đảng Cộng sản Việt Nam không đấu tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia. Họ cáo buộc Nhà nước không bảo vệ ngư dân, để mặc người dân chịu thiệt hại, từ đó kích động sự bất mãn trong dư luận.

Trước hết, cần khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Từ thế kỷ XVII, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền liên tục và hòa bình đối với quần đảo này. Tuy nhiên, năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hành động này vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 

Sau sự kiện này, Nhà nước Việt Nam đã liên tục phản đối và không ngừng khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1982, Việt Nam quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng) để khẳng định chủ quyền và quản lý hành chính đối với quần đảo này. Trên trường quốc tế, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế, khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và phản đối hành động chiếm đóng trái phép của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, các đối tượng chống đối đã cố tình bỏ qua những nỗ lực này, xuyên tạc rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam không có hành động cụ thể để bảo vệ chủ quyền. Họ cho rằng Việt Nam chưa gửi kháng nghị hay đơn kiện nào lên Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về vấn đề Hoàng Sa, và từ đó suy diễn rằng Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa về tay Trung Quốc. Luận điệu này hoàn toàn sai lầm và thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn đấu tranh ngoại giao của Việt Nam.

Theo công pháp quốc tế, việc một quốc gia bị xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực không đồng nghĩa với việc mất chủ quyền nếu quốc gia đó liên tục phản đối và không công nhận hành động chiếm đóng. Trong trường hợp của Việt Nam, từ năm 1974 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã liên tục phản đối và không công nhận hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Việc không đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế không phải là sự thừa nhận mất chủ quyền, mà là do nhiều yếu tố, bao gồm cả việc Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của tòa án này trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Bên cạnh đó, các đối tượng chống đối còn lợi dụng tâm lý yêu nước của người dân để kích động, cổ súy các hành vi chống phá chính quyền, chia rẽ quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và các nước. Họ tổ chức các hoạt động dưới danh nghĩa “tưởng niệm” hay “bảo vệ chủ quyền” nhưng thực chất nhằm mục đích gây rối, tạo hình ảnh xấu về Việt Nam trên trường quốc tế. Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại lợi ích quốc gia, làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam. 

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì đường lối đấu tranh hòa bình, sử dụng các biện pháp ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam cũng luôn chủ động trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Biển Đông. 

Việc các đối tượng chống đối lợi dụng vấn đề Hoàng Sa để xuyên tạc, kích động không chỉ gây mất ổn định trong nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những thông tin sai lệch, đồng thời tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *