Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
3744

Việt Nam tích cực lan tỏa giá trị Công ước chống tra tấn

Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước chống tra tấn (Công ước CAT), Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao nhận thức về quyền con người và phòng, chống tra tấn. Các chính sách và hoạt động tuyên truyền được triển khai rộng khắp từ trung ương đến địa phương, nhấn mạnh sự nhân văn và quyết tâm thực thi của quốc gia.

Khuôn khổ chính sách rõ ràng, toàn diện

Ngày 12/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Trên cơ sở này, các bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.

Đến ngày 14/9/2022, Việt Nam ban hành Đề án truyền thông về quyền con người với nội dung thúc đẩy tuyên truyền pháp luật quốc tế về quyền con người để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm tới 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Công ước CAT.

Phạm nhân được y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 105 khám sức khỏe.

Ngày 14/2/2023, Quyết định số 87 được ban hành với nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban CAT”. Đặc biệt, việc lồng ghép nội dung Công ước CAT vào các bộ luật như: Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019… đã góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, bảo vệ quyền con người toàn diện hơn.

Hoạt động tuyên truyền rộng khắp, hiệu quả

Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị và hội thảo chuyên đề, hướng đến nhiều nhóm đối tượng như cán bộ thực thi pháp luật, điều tra viên, giảng viên hay các nhà quản lý. Các hoạt động biên soạn tài liệu cũng được chú trọng, với hàng nghìn cuốn sách và chương trình giảng dạy được phát hành, từ đó tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho đội ngũ cán bộ.

Nổi bật là: Việt Nam đã hoàn thành xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành và 63 địa phương có liên quan (tháng 2/2020).

Năm 2019, 10.000 cuốn sách tuyên truyền với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước CAT” được phát hành cùng hàng loạt cuốn sách tuyên truyền về quyền con người như: Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam (2020), Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo Luật Thi hành án hình sự Việt Nam (2021); Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người; Cơ chế quốc tế về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; Cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; Pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền con người ở một số nước trên thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam thường xuyên cập nhật giáo trình đào tạo, nhất là giáo trình đào tạo đại học (cử nhân luật), đào tạo nghiệp vụ điều tra và các môn học như “Quyền con người trong thế giới đương đại”, “Quyền con người và các yếu tố bảo đảm quyền con người”. Việt Nam cũng đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quyền không bị tra tấn, quyền được bồi thường thiệt hại. Đến nay, Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan xây dựng Tài liệu giảng dạy, tập huấn về Công ước CAT, gửi các cơ sở đào tạo để tham khảo xây dựng nội dung tài liệu, giáo trình có liên quan.

Đối với hoạt động báo chí tuyên truyền, Việt Nam đã mở nhiều chuyên mục, đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng internet.

Những nỗ lực trong việc thực hiện Công ước CAT không chỉ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, thúc đẩy chính sách nhân văn, nhất quán. Điều này đã góp phần củng cố uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế, khẳng định vai trò một quốc gia yêu chuộng hòa bình và bảo vệ quyền con người.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn hay Công ước CAT) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 7/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *