Các đại biểu phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2024. |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề an sinh xã hội, các biện pháp để thúc đẩy bình đẳng, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, tiến tới bình đẳng giới thực chất vẫn cần được ưu tiên trong thời gian tới. Tháng hành động năm nay đặt trọng tâm vào việc duy trì xã hội ổn định, công bằng, dân chủ, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị, bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan để để phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ việc về bạo lực giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân, phòng chống các tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người.
Lực lượng Công an nhân dân đồng diễn võ thuật tại lễ phát động. |
Những năm qua, công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp tăng; nữ lãnh đạo chủ chốt chiếm 59% tại các bộ, cơ quan ngang bộ và 74,6% tại chính quyền địa phương cấp tỉnh. Quốc hội khóa XV ghi nhận tỷ lệ nữ đại biểu đạt 30,26%, cao hơn trung bình thế giới. Hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng, cùng với nhiều thành tựu trong việc thu hẹp khoảng cách giới ở các cấp giáo dục và nâng cao vị thế phụ nữ trong nền kinh tế.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, như định kiến xã hội, chênh lệch giới tính khi sinh, bạo lực gia đình và gánh nặng việc nhà không công bằng cho phụ nữ. Để giải quyết triệt để, cần sự chung tay từ cả hệ thống chính trị và cộng đồng, cùng với các chính sách, pháp luật đi đôi với việc thực thi hiệu quả.
Bà Pauline Tamesis cho biết, Liên hợp quốc đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng công an Việt Nam trong việc xử lý các vụ việc hiệu quả., đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, thân thiện với nạn nhân, nhạy cảm về giới và đáp ứng giới. “Thông qua các hoạt động hợp tác, chúng tôi mong muốn lực lượng công an được trang bị đầy đủ và được đào tạo để mang lại sự tự tin, an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi trình báo và tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan chức năng”, bà nói.
Tháng hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa Bạo lực trên cơ sở giới sẽ kéo dài từ 15/11 đến 15/12, với hàng loạt sự kiện và hoạt động lan tỏa rộng khắp cả nước. Ngay sau lễ phát động là các hoạt động bên lề như diễu hành, đồng diễn võ thuật của lực lượng Công an nhân dân, cùng hàng nghìn sự kiện hưởng ứng tại các địa phương.