Tận tình, tận nghĩa với dân
Tận tình, tận nghĩa với dân. Sau hơn 3 ngày triển khai lực lượng, phương tiện tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất, xảy ra tại thôn 2, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào chiều 28-10, sáng 1-11, dù trời liên tục có mưa lớn song dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó tư lệnh Quân khu 5, các lực lượng vừa tích cực san lấp, trả lại mặt bằng, phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh nguồn nước, vị trí trú quân, đường làng, ngõ xóm; đồng thời tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm xuống lòng sông Leng và các khu vực xung quanh… với hy vọng sẽ tìm thêm được các nạn nhân còn mất tích.
Tại ngã 3 cầu Hồng Dung, cạnh cổng chào dẫn vào xã Trà Leng, cách hiện trường xảy ra vụ sạt lở khoảng 8km, ngay từ sáng sớm, hàng chục chiếc ca nô, xuồng máy, ghe gỗ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Nam và một số người dân sống cạnh lòng hồ thủy điện Sông Tranh đã được lực lượng chức năng huy động đến để tham gia công tác tìm kiếm. Đồng chí Lê Văn Thẩm, xã đội trưởng xã Trà Leng cho biết: “Do mưa lũ kéo dài nên hiện nay mực nước trên các con sông đều dâng cao và chảy rất mạnh.
Các lực lượng vẫn ra sức tìm kiếm nạn nhân mất tích. |
Vừa cơ động, quan sát tìm kiếm các nạn nhân, chúng tôi vừa phải liên tục dùng sào tre, gậy gỗ gạt bớt củi khô, gỗ mục, cành cây, túi nilon nổi trên mặt nước, mở đường cho ca nô, thuyền bè đi tới. Để không bỏ sót bất cứ vị trí nào, các chiến sĩ dân quân sẽ trực tiếp dẫn đường, đưa các lực lượng, phương tiện luồn lách vào từng nhánh sông, con suối uốn lượn theo những sườn đồi. Mưa lớn, có lúc các chiến sĩ phải vừa đi vừa tát nước rất vất vả. Xác định việc tham gia công tác cứu hộ là trách nhiệm, nghĩa cử thiêng liêng đối với đồng bào nên cán bộ, chiến sĩ quân đội, dân quân, công an luôn cố gắng làm việc hết mình. Khát thì uống nước trong chai, đói thì ăn bánh chưng, bánh mì, trứng luộc, từ sáng đến chiều muộn, chúng tôi chưa một lần bước lên bờ. Theo những người có kinh nghiệm trong làng cho biết, nếu bị nước lũ cuốn xuống lòng sông, có thể hôm nay, ngày mai các nạn nhân sẽ nổi lên mặt nước, sau đó lại tiếp tục chìm xuống. Chính vì vậy chúng tôi phải cố gắng làm hết sức mình”.
Bữa cơm đạm bạc của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 tại hiện trường. |
Bão số 9 vừa tan, dù nhà bị tốc ngói, sập tường rất nặng, song sau khi nhận được tin báo của người dân về vụ sạt lở đất, mặc mưa to gió lớn, các tuyến đường đang bị chia cắt nhiều nơi, chiến sĩ dân quân: Hồ Văn Cường, Hồ Văn Thuật, Hồ Văn Thành cùng đồng đội vẫn quyết định băng rừng, lội suối lên thôn 1 hỗ trợ người dân. Trong đêm tối, chính các anh và bà con trong vùng là những người phát hiện, đưa ra khỏi đống đổ nát những nạn nhân đầu tiên bị thương hoặc đã tử vong. Không có thầy mo, thầy cúng, các anh cùng người dân lại trực tiếp vệ sinh, khâm liệm, đào mộ, chôn cất chu toàn cho những người đã chết.
Vừa trở về sau chuyến cứu hộ dài ngày tại hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng tại Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế, Quốc phòng 337 (Quân khu 4) anh dũng hy sinh, theo sự phân công của cấp trên, đêm 29-10, tổ công tác Cụm cơ động Chó nghiệp vụ 4 (Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) lập tức cơ động gần 800km đến Trà Leng. Dưới trời mưa tầm tã, các huấn luyện viên và 3 chú chó nghiệp vụ liên tục cày đi xới lại toàn bộ khu vực sạt lở rộng như một sân bóng đá khổng lồ. Tiếc là sau khi đào bới, làm sạch hiện trường, vẫn còn tới 14 nạn nhân vẫn đang mất tích. Theo nhận định của lực lượng chức năng, những người này có thể đã bị lũ dữ đẩy xuống lòng sông, khiến công tác tìm kiếm vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả hơn
Từ Hà Nội vào Trà Leng tham gia công tác cứu hộ, với các thiết bị bay không người lái chuyên dụng, hiện đại, những ngày qua, anh Nguyễn Bá Thành, Chuyên viên Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tích cực dùng “mắt thần” quan sát, thu thập hình ảnh, video hiện trường vụ sạt lở, vừa tích cực điều khiển thiết bị bay bay dọc, bay ngang khắp những lòng sông, lòng suối để tìm kiếm các nạn nhân. Với trần bay cao, cự ly bay xa, những hình ảnh do anh cung cấp góp phần giúp ích rất nhiều cho các lực lượng trong việc nhận định, đánh giá chính xác tình hình, dự báo dự lường các nguy cơ sạt lở để có phương án, cách thức tìm kiếm, xử lý linh hoạt, chủ động và hiệu quả các tình huống xấu có thể xảy ra do mưa lũ.
Trong lúc lực lượng cứu hộ tích cực đào bới, tìm kiếm các nạn nhân vụ sạt lở, ở vòng ngoài, các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 17, Đội Y học dự phòng và các chiến sĩ lái xe của Quân khu 5 đã sắn quần, lội bùn non đến từng nhà hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả cơn bão dữ, khám bệnh, cấp thuốc tặng quà các hộ dân ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, neo đơn. Trưa 1-11, nhờ sự can thiệp kịp thời của các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 17, sản phụ Hồ Thị Thủy trú tại thôn 2 xã Trà Leng, bụng đau quằn quại, có dấu hiệu sắp sinh non đã được xử lý, thăm khám, truyền dịch và chở đi cấp cứu kịp thời. Anh Đinh Văn Thắng, chồng chị Thủy xúc động: “Vợ tôi mang thai tháng thứ 8, vậy mà từ đêm qua đến giờ bụng bất ngờ đau dữ dội. Đường sá sạt lở, bí quá tôi phải gọi anh em họ hàng dùng cáng võng khiêng ra bệnh viện. Từ đêm đến sáng, chúng tôi thay nhau khiêng vác vừa đi vừa chạy được hơn chục cây số, nhưng vai cũng kiệt sức cả rồi, may có bộ đội phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Đường từ đây xuống bệnh viện vẫn còn xa lắm, có bác sĩ quân y giúp đỡ thì tôi yên tâm rồi. Các anh chính là ân nhân của bà con Trà Leng, trong đó có vợ chồng tôi”.
Quý mến, sẻ chia cùng bộ đội, 2 ngày nghỉ cuối tuần, cô Nguyễn Thị Vy và các giáo viên trường tiểu học Trà Leng; chị Nguyễn Thị Huỳnh, Lý Dung và chị em phụ nữ khu dân cư 1, xã Trà Mai đã rủ nhau góp tiền, góp gạo, mua thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, gói bánh mang lên gửi tặng bộ đội. Thấy anh em nuôi quân vất vả cực nhọc, các chị, các anh lại sắn tay vào giúp đỡ, nơi vùng cao xa xôi, tuy đau thương mất mát, khó khăn còn hiện hữu song tình cảm quân dân luôn ấm áp, đong đầy.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tan-tinh-tan-nghia-voi-dan-642659