Lao động và việc làm là một trong những quyền cơ bản của công dân được các bản Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 quy định quyền lao động và việc làm bao gồm: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.
Hiến pháp năm 2013 đặt bước phát triển mới trong quy định về quyền lao động và việc làm của công dân. Trên cơ sở kế thửa và phát triển quy định của các bản Hiến pháp trước đây, tiếp thu hợp lý quy định của pháp luật quốc tế về quyền lao động của con người, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền lao động và việc làm của công dân một cách thực chất, rõ ràng hơn, tương thích với pháp luật quốc tế.
Theo Hiến pháp năm 2013, quyền lao động và việc làm của công dân bao gồm các nội dung sau:
Một là, quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Làm việc để sống và phát triển là quyền tự nhiên của con người đã được hình thành từ lâu đời gắn với sự phát triển của loài người. Bản thân mỗi cá nhân khi sinh ra đã có sự khác nhau về thể chất và năng lực. Vì vậy, họ cần được lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với khả năng của mình. Để mỗi cá nhân phát huy được hết khả năng trong công việc, họ cũng cần được quyền lựa chọn nơi làm việc với môi trường làm việc phù hợp với bản thân mình.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, Hiến pháp năm 2013 quy định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội một cách hợp lý và phù hợp hơn. Theo đó, Nhà nước tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, tạo điều kiện để xã hội (các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) tạo việc làm cho người lao động. Có thể thấy rằng, chủ trương nhất quán của Nhà nước ta là xã hội hóa việc làm theo đúng quy luật thị trường, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng về quyền, lợi ích hợp pháp của các bên (người lao động và người sử dụng lao động), từ đó khuyến khích vai trò của người lao động.
Hai là, quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Quyền làm việc gắn với quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sự công bằng giữa người lao động. Đây cũng là một trong những biểu hiện của quyền bình đẳng trước pháp luật. Người lao động làm việc đổi lấy tiền lương để nuôi sống bản thân và gia đình, vì vậy họ phải được hưởng lương và được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Hiến pháp năm 2013 sử dụng khái niệm người làm công ăn lương, bao gồm người lao động ở khu vực chính thức và khu vực phi chính thức, khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Dưới góc độ quyền, quy định người làm công ăn lương được hưởng lương cho thấy việc đảm bảo người lao động được hưởng lương là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Nhà nước cần thực hiện chính sách bảo đảm cho các chủ thể sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với người lao động.
Ba là, các biện pháp bảo vệ quyền lao động và việc làm. Cùng với việc ghi nhận quyền làm việc, quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc, Hiến pháp năm 2013 nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Quy định mang tính nguyên tắc này của Hiến pháp tạo cơ sở cho việc cụ thể bằng các văn bản luật, dưới luật về các biện pháp bảo đảm quyền lao động và việc làm của công dân.
H.Chi