Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10667

Quảng Trị: Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo nhờ mô hình chăn nuôi dê

Nhờ mô hình chăn nuôi dê thành công, đời sống của nhiều hộ gia đình khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị được cải thiện đáng kể.

Nhờ được hỗ trợ con giống, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ trong suốt quá trình chăm sóc; đàn dê đã giúp gia đình vợ chồng anh Thum cải thiện đời sống đáng kể.

Hướng Hóa là huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, là các xã vùng biên, đồng bào Bru-Vân Kiều, Tà Ôi… chiếm gần 100% dân số. Xã Lìa là xã biên giới khó khăn, việc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới ở đây không hề dễ dàng. Cũng như bao hộ nghèo khác ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị, thu nhập của vợ chồng anh Hồ Văn Thum, chị Hồ Thị Viên người dân tộc Pa Kô ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa chủ yếu dựa vào cây sắn.

Tuy nhiên sau nhiều năm canh tác, đất đai bị bạc màu nên năng suất cây sắn bị giảm dần. Với diện tích 02 ha, giờ đây mỗi năm cây sắn chỉ mang lại cho gia đình anh Thum chưa quá 20 triệu đồng, số tiền trên không đủ để mua lương thực và chi phí cho 2 đứa con đi học. Anh Thum và chị Viên rất muốn tạo sinh kế để cải thiện cuộc sống, nhưng vẫn băn khoăn vì chưa thể lựa chọn được mô hình phù hợp.

Mọi đổi thay đến với gia đình anh chị vào tháng 3 năm 2023. Nhờ tham gia nhóm sở thích nuôi dê từ chương trình “Tiến lên phía trước”, vợ chồng anh Thum đã được cung cấp 2 con dê giống, được hỗ trợ vật liệu để làm chuồng trại, và được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho dê. Nhờ vậy anh chị đã có điều kiện cải thiện thu nhập từ nuôi dê và giảm bớt phụ thuộc vào cây sắn.

Hàng ngày mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy xa nhà, phải dành thời gian để chăm sóc con cái, nhưng vào mỗi buổi sáng vợ chồng anh Thum, chị Viên đều cùng nhau dọn vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe đàn dê, và không quên bổ sung thức ăn trước lúc thả dê ra đồng. Vào mùa Đông, anh Thum chủ động dữ trữ nguồn thức ăn cần thiết để đàn dê có đủ sức chống chọi với mưa rét…Nhờ vậy đàn dê của vợ chồng anh Thum phát triển nhanh và chống lớn, không bị dịch bệnh, kết quả sau hơn 1 năm đã tăng lên 11 con.

Vợ chồng anh Hồ Văn Thum, chị Hồ Thị Viên thành công với đàn dê từ 2 con sau hơn 1 năm đã tăng lên 11 con.

Anh Hồ Văn Thum tâm sự: Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên hai vợ chồng tôi không tránh khỏi lo lắng, nhưng sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, được các thành viên trong nhóm sở thích nuôi dê nhiệt tình giúp đỡ nên chúng tôi nhanh chóng vượt qua khó khăn. Giờ đây hai vợ chồng tôi không chỉ biết chăm sóc, phòng bệnh đúng cách, mà còn có thể điều trị một số bệnh thông thường cho dê ngay tại nhà, chẳng hạn như bệnh đầy hơi chướng bụng, bị tiêu chảy, bệnh đau mắt.

Chứng kiến đàn dê lớn lên từng ngày, chị Viên vợ của anh Thum chia sẻ: “Chồng tôi đã mua thêm tấm lót sàn bằng nhựa để chống trượt cho dê con. Trong thời gian tới chúng tôi có kế hoạch sẽ mở rộng chuồng trại, dựng hàng rào khép kín xung quanh chuồng và trồng thêm thật nhiều cỏ để nuôi dê nhốt chuồng…”.

Cùng với vợ chồng anh Thum, trên địa bàn xã Lìa, huyện Hướng Hóa hiện nay đàn dê của 20 hộ gia đình trong nhóm sở thích nuôi dê từ chương trình “Tiến về phía trước” đều phát triển tốt. Trong đó, một số gia đình đã biết tận dụng sản phẩm phụ từ sản xuất nông nghiệp và trồng cỏ để làm thức ăn cho dê và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

Mô hình chăn nuôi dê được nhân rộng từ nhóm sở thích nuôi dê thuộc chương trình “Tiến lên phía trước”.

Theo Ông Hoàng Đình Chiến, trạm trưởng Trạm thú y huyện Đakrông cho biết: “Kinh nghiệm từ những gia đình có nhiều năm chăn nuôi ở miền núi Quảng Trị cho thấy, mỗi năm một con dê mẹ thường sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Như vậy nếu một gia đình nuôi 02 dê mẹ thì mỗi năm sẽ có ít nhất 6 dê con. Sau một năm chăm sóc, mỗi con dê trưởng thành có giá bán không dưới 1,5 triệu đồng, như vậy người chăn nuôi sẽ có thu nhập khoảng trên 9 triệu đồng. Số tiền trên đủ để mua lương thực trong một năm cho một gia đình có 6 nhân khẩu. Trong khi chăn nuôi dê cũng nhẹ nhàng hơn so với công việc nương rẫy”.

Các cá nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của 6 xã huyện Hướng Hóa đã thành lập và vận hành 8 nhóm sở thích chăn nuôi dê.

Từ 9/2022 đến nay, chương trình “Tiến về phía trước” đã hỗ trợ các cá nhân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của 6 xã để thành lập và vận hành 8 nhóm sở thích chăn nuôi dê. Hiện tại các hộ thuộc 8 nhóm vẫn duy trì được đàn dê với tổng đàn khoảng gần 600 con. Trong đó số dê giống cấp mới của năm 2024 cho 40 hộ ở xã Lìa và Hướng Lộc là 84 con.

Chương trình “Tiến về phía trước” do Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tài trợ thông qua Plan International tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ cho các cộng đồng còn nhiều khó khăn ở khu vực Quảng Trị. Thông qua mô hình phát triển chăn nuôi dê, người hưởng lợi được tạo điều kiện tiếp cận và thực hiện các cơ hội nhằm phát triển sinh kế trong điều kiện có nhiều thách thức như hiện nay, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu và các loại dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhất là với những địa bàn vùng sâu, vùng xa như khu vực miền núi Quảng Trị.

Với mục tiêu hỗ trợ các cộng đồng dân cư, đặc biệt là những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đang sinh sống tại các vùng sâu và xa nhất, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ và sinh kế cơ bản, để từ đó giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, chương trình “Tiến về phía trước” đã áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, lấy cộng đồng làm trọng tâm, trao quyền và có tính đến các yếu tố đặc thù như tình trạng khuyết tật, hay áp dụng các khung lý thuyết phát triển về trường học an toàn, trao quyền kinh tế lấy phụ nữ làm trọng tâm trong các hoạt động thiết kế và triển khai chương trình.

Chương trình “Tiến về phía trước” được triển khai từ tháng 6/2022 ở các tỉnh là Quảng Trị, Hòa Bình và Hà Giang. Chương trình được thực hiện tại các xã Tà Long, Đakrông, và Tà Rụt của huyện Đakrông; Hướng Lộc, Lìa, và Ba Tầng ở huyện Hướng Hoá thuộc tỉnh Quảng Trị; các xã Yên Hoà, Trung Thành của huyện Đà Bắc và xã Miền Đồi và Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn; xã Nàn Ma và Nấm Dẩn của huyện Xín Mần và xã Thuận Hòa, Quảng Ngân và Cao Bồ của huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang.

Những huyện được lựa chọn là nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bao gồm Pa Cô, Vân Kiều, H’mong, Tày, Nùng, Mường và Dao. Các tiêu chí lựa chọn chính là: nghèo hơn 1,5 lần so với mức trung bình của huyện; dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu; còn tồn tại bạo lực giới và thuộc nhóm nghèo trong danh sách các huyện nghèo của chính phủ. Việc lựa chọn các xã và cộng đồng đảm bảo phù hợp với hướng dẫn.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *