Phiên tòa phúc thẩm vụ Trần Bắc Hà được mở để xem xét kháng cáo của 3 bị cáo, trong đó ông Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Công ty Bình Hà) kháng cáo kêu oan.
Hôm nay (28/6), TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của các bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) và Nguyễn Thị Thanh Sơn (thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng).
Ông Đinh Văn Dũng kháng cáo kêu oan, 2 người còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Văn Dũng 12 năm tù; Hồng Dũng 18 năm và Sơn 3 năm tù vì cùng tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Trần Bắc Hà |
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Văn Dũng, Hồng Dũng, Thanh Sơn là những người có năng lực trách nhiệm hình sự, đứng đầu các tổ chức kinh tế có quan hệ vay vốn tại BIDV, hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh.
Nhưng cả ba đã cố ý lợi dụng sơ hở của các nhân viên BIDV trong việc quản lý tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền sau cho vay để chiếm đoạt các khoản tiền và hàng hóa là tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp cho các khoản vay tại BIDV.
Các bị cáo dùng tiền đó vào mục đích cá nhân khi không được sự đồng ý của phía ngân hàng.
Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của chủ thể khác, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của bên cho vay.
Hành vi của 3 bị cáo khiến BIDV không thu hồi được khoản vay, đã chiếm đoạt của ngân hàng hơn 263 tỷ đồng, đến nay không có khả năng bồi thường, khắc phục hậu quả.
Ông Văn Dũng bị bản án sơ thẩm xác định đã cấu kết với con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) là Trần Duy Tùng và 2 người khác chiếm đoạt 23,5 tỷ đồng tiền bán bò của Công ty Bình Hà (là tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Công ty Bình Hà tại BIDV).
Bị cáo còn chiếm đoạt 11 tỷ đồng, dùng số tiền này góp vốn vào Công ty Bình Hà, đồng thời làm vốn đối ứng để BIDV tiếp tục giải ngân.
HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra sai phạm dẫn đến hậu quả mất vốn của BIDV.
Dù ông Hà đã chết, không bị xem xét trách nhiệm hình sự, nhưng trong vụ án này, ông được xác định là người có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả làm thiệt hại cho BIDV.
Các tài sản đã kê biên, phong tỏa ngăn chặn giao dịch đứng tên ông Trần Bắc Hà và các tài sản khác có liên quan đến quyền lợi của ông Hà cần tiếp tục kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch để trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Bình Hà với BIDV.
Nếu sau khi thanh toán xong cho Công ty Bình Hà, vẫn còn tài sản thì sẽ được trừ vào nghĩa vụ hoàn trả của Công ty Trung Dũng với BIDV.
Do ông Hà đã chết nên các nghĩa vụ về tài sản của ông Hà được thực hiện theo quy định của Điều 615 Bộ luật dân sự.
Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong 3 ngày (từ 28 – 30/6/2021).