Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
57206

Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

 

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở nhiều địa phương trong cả nước đã tác động rất lớn đến các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngề nghiệp (GDNN). Đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp, việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN còn hạn chế.

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực GDNN đã đạt được một số kết quả. Thể chế, chính sách về GDNN tiếp tục tập trung hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiện đại và hội nhập quốc tế, trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030[1], tập trung xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030[2]. Kịp thời hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề. Công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp trực tuyến, phân luồng học sinh được tăng cường; chất lượng và hiệu quả của GDNN có sự chuyển biến. Thực hiện rà soát, sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN công lập để giảm đầu mối, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở GDNN. Công tác tuyển sinh, đào tạo, đăng ký hoạt động GDNN theo hướng mở, linh hoạt; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; kịp thời hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo; tổ chức đào tạo trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, qua đó góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề. Ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg[3]; ban hành “Cẩm nang hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19”.

Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao theo các bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc và Đức; nghiên cứu nhân rộng đào tạo trong cả nước. Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người hiện không có việc làm, không tham gia học tập, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuẩn  bị hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động.

Dự kiến cả năm tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 1.896 nghìn người, đạt khoảng 80% kế hoạch, trong đó trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 482 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.414 nghìn người. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 1.658 nghìn người, đạt khoảng 80% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 314 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1.343 nghìn người. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%, đạt mục tiêu đề ra.

[1] Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

[3] Tại 08 tỉnh, thành phố, 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *