Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
13317

Pháp luật về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay (bài 4)

Quyền của trẻ em khuyết tật

 

Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam được đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả trong các chương trình và kế hoạch hỗ trợ cho trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng.

 

Luật Người khuyết tật (Điều 5, 23 và 44), Luật Giáo dục (Điều 11, 13, 15, 63) và Luật Trẻ em (Điều 10, 35) đã đưa ra các chính sách bảo đảm trẻ em khuyết tật được hỗ trợ, hưởng trợ cấp xã hội, được chăm sóc, giáo dục đặc biệt để phục hồi chức năng, phát triển khả năng tự học và hòa nhập xã hội. Qua điều tra năm 2023, cơ bản toàn bộ trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục hòa nhập tại các cấp học.

 

Nhằm tăng cường bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 03/01/2025 phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc trên cơ sở báo cáo quốc gia lần thứ 5+6 của Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, triển khai dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, trẻ em khuyết tật.

 

 

Trẻ em khuyết tật tham gia đọc sách.

 

 

Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã nêu chỉ tiêu: “Tỷ lệ trường học có cơ sở hạ tầng và tài liệu phù hợp với học sinh, sinh viên khuyết tật đạt 55% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ em có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030”.

 

Việt Nam cũng đã đảm bảo quyền tham gia có ý nghĩa của trẻ em khuyết tật, với sự đặc biệt chú ý đối với trẻ khuyết tật nghe, trẻ em sử dụng các phương pháp giao tiếp thay thế và trẻ em khuyết tật trí tuệ. Cụ thể, Việt Nam đã phát triển hệ thống ngôn ngữ ký hiệu (Thông tư số 17/2020/TT-BGDĐT), quy định về giáo dục hòa nhập trong các trường học; có các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT); xây dựng một số cơ sở giáo dục chuyên biệt bảo đảm quyền tham gia có ý nghĩa của trẻ em khuyết tật đặc biệt là trẻ khuyết tật nghe.

 

Việt Nam đã thành lập đường dây nóng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 gồm 02 kênh: kênh tiếp nhận cuộc gọi bảo vệ trẻ em và kênh tiếp nhận phòng chống mua bán người. Năm 2024, kênh tiếp nhận cuộc gọi bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận: 320.749 cuộc gọi đến, 1.816 lượt thông báo trên ứng dụng app và zalo của tổng đài; đã xử lý, tư vấn 27.277 cuộc gọi và can thiệp 1.243 trường hợp.

 

Trong tổng số các cuộc gọi đến năm 2024, Tổng đài 111 đã xử lý 1.920 cuộc gọi về phòng chống mua bán người. Trong đó: 1.319 cuộc gọi cung cấp thông tin chung, đề nghị tư vấn chính sách luật pháp; 537 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ trợ giúp; xử lý 65 trường hợp (ca) chuyển tuyến để giải cứu và hỗ trợ cho 75 nạn nhân và người có nguy cơ là người của mua bán người.

 

Ngoài đường dây nóng dễ truy cập, phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo nhạy cảm giới, an toàn, đa dạng phương pháp giao tiếp, Chính phủ Việt Nam còn sử dụng nhiều biện pháp, kế hoạch khác nhằm loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực, bao gồm cả sự hỗ trợ đối với gia đình của trẻ em khuyết tật, sự hỗ trợ về mặt tâm lý để ngăn ngừa và giảm thiểu các hình thức lạm dụng có thể xảy ra đối với những trẻ em này.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *