Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37915

Lạm bàn Báo cáo nhân quyền 2022 của HRW: Việt Nam có hạn chế thực hành tôn giáo?

 

Cứ hàng năm, tổ chức Quan sát Nhân quyền HRW lại đều đều phát hành báo cáo nhân quyền. Giống như thái độ thù địch của tổ chức này với Việt Nam hàng chục năm qua, cái gọi là “Báo cáo nhân quyền năm 2022” của họ về bản chất là sự “tổng  hợp” các luận điệu xuyên tạc, chống phá về Việt Nam từ các trang phản động, thù địch với Việt Nam. Điểm khác duy nhất là các vấn đề được bố cục bài bản hơn mà thôi.

Chẳng hạn, trong báo cáo nhân quyền 2022 năm nay, phần về tự do tôn giáo họ viết: “Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo bằng các quy phạm pháp luật, bằng các quy định về đăng ký và theo dõi(!)”. Ai cũng thấy, cách đưa ra lập luận vô lối này của họ, có đất nước nào không có quy định để quản lý các sinh hoạt cộng đồng, trong đó có tôn giáo?

Cây bút Nguyễn Văn đã đưa ra một số bình luận về vấn đề này, xin trích:

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, đã có bước tiến mới trong việc mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện thay cụm từ “quyền công dân” bằng “quyền con người”. Khẳng định quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm theo công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Là quốc gia đa tôn giáo, nên ở Việt Nam liên tục có sự gia tăng về số lượng các tổ chức tôn giáo và tín đồ các tôn giáo. Việc phát triển và ra đời các tổ chức tôn giáo, một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó, quyền tự do tuyên xưng đức tin là một trong những quyền cơ bản nhất trong quyền con người; quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trong một đất nước đa tôn giáo, đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam; mặt khác, khẳng định Việt Nam không có sự phân biệt giữa người có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ một tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài vào, dù tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là công tác hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo. Trải dài khắp đất nước Việt Nam đều có các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khang trang, hoạt động tôn giáo sôi động, đời sống tâm linh của người dân sung túc. Cùng với các sinh hoạt thường nhật, các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia, như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Lễ Thượng ngươn của đạo Cao Đài… Ngoài những sự kiện tôn giáo lớn diễn ra như nói ở trên, các tổ chức tôn giáo vẫn duy trì tốt các hoạt động, như: đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm chức sắc, chức việc nhà tu hành tôn giáo. Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về cơ sở của tín đồ và tổ chức tôn giáo, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước và giáo hội. Vì thế, số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam liên tục tăng qua từng năm, hiện nay đã chiếm 27% dân số cả nước. “Chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động thực hành tôn giáo” mà lại như thế sao?

Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nên mọi hoạt động đều phải theo quy định Hiến pháp, pháp luật và trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật. Vậy mà các hoạt động thực hành tôn giáo phải “bằng các quy phạm pháp luật, bằng các quy định về đăng ký và theo dõi” lại không đúng à? Như thế là “hạn chế” quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sao?

Ở Việt Nam, để được chính quyền công nhận là tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức đó phải: Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật; tên của tổ chức không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị (Điều 21 Luật tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Tổ chức đủ điều kiện theo quy định tại Điều 21 Luật tín ngưỡng, tôn giáo gửi hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo được quy định tại Điều 22 Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy là quy định, hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Nếu chưa được các cấp chính quyền cấp chứng nhận và đăng ký hoạt động tôn giáo là do chưa đủ điều kiện, hoặc hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu mà thôi. Nhưng không vì thế mà cho rằng, nhà nước Việt Nam hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Để tạo điều kiện cho chức sắc, chức việc tôn giáo làm thủ tục cấp chứng nhận, đăng ký hoạt động tôn giáo, thời gian qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã áp dụng nhiều điểm mới trong quy trình thủ tục đăng ký, công nhận tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Đã triển khai thực hiện, xử lý, giải quyết 43 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên cổng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả, giảm thời gian đi lại cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo, được các tổ chức, cá nhân tôn giáo hài lòng và đánh giá cao.

Ở Việt Nam không chỉ tôn giáo mà mọi tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp… muốn hoạt động đều phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Đó cũng là lẽ bình thường của mọi quốc gia có độc lập, chủ quyền, chứ không riêng gì nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việt Nam cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới đều nghiêm trị bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đi ngược lại với lợi ích quốc gia – dân tộc, trật tự an toàn xã hội hay phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày 05/01/2022, Djokovic (tay vợt số 1 thế giới) bị từ chối visa nhập cảnh Australia vì chưa tiêm vacxin phòng Covid-19. Bởi điều đó có thể làm lây lan dịch Civid-19 ở đất nước này. Thế mà chẳng biết căn cứ vào đâu họ lại phê phán đến nực cười rằng, ở Việt Nam: “Các nhóm tôn giáo phải được phê chuẩn và đăng ký với chính quyền, đồng thời phải hoạt động dưới các ban trị sự do nhà nước kiểm soát. Dù nhà cầm quyền cho phép nhiều nhà thờ, chùa chiền trong hệ thống kiểm soát của nhà nước được tổ chức thờ phượng, cúng lễ nhưng vẫn cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với “lợi ích quốc gia,” “trật tự xã hội” hay “khối đại đoàn kết dân tộc”.

Thực tiễn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam với mấy nét chấm phá trên đã minh chứng cho chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thế mà họ lại xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *