Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23410

Kiều bào với Trường Sa Kỳ 1: Sợi dây kết nối

 

“Trước chuyến thăm Trường Sa năm 2012, ngoài sự hào hứng, hồi hộp, tôi còn có chút hoài nghi, do dự. Sau chuyến đi đó, sự hoài nghi trên đã biến mất, thay vào đó là niềm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn, Việt kiều Mỹ chia sẻ.

Các kiều bào từ Thái Lan, Nga, Đức, Australia chụp ảnh cùng quốc kỳ trên nóc nhà giàn

Dù đã 7 lần đưa kiều bào ra thăm Trường Sa nhưng Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái vẫn không quên kỷ niệm về chuyến thăm Trường Sa năm 2014. Khi đó, trong thành phần đoàn công tác có một số người chống đối Việt Nam, được Bộ Ngoại giao mời trở về, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Lập, Thiếu úy thủy quân lục chiến ngụy quân. “Ban đầu, ông Nguyễn Ngọc Lập không có sự hợp tác. Khi lên đến đảo, ông Lập bị ốm, phải đưa về đất liền bằng thủy phi cơ. Ngày đón đoàn kiều bào từ Trường Sa trở về đất liền, ông Lập ra tận cầu cảng đón đoàn và có thái độ khác hẳn so với lúc khởi hành. Có thể nói, Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là chất kết dính, tạo nên sự đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài”, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái khẳng định. Cũng theo chia sẻ của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái: “Trước khi bước chân lên tàu, bà con Việt kiều phần lớn còn có nhiều điều lăn tăn, nhưng trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng: Ấm lòng vì đời sống cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện; Yên lòng với thế trận phòng thủ trên đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt; An lòng với chính sách hậu phương vững chắc”.

Đồng quan điểm với Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nhiều bà con Việt Kiệu tại Ba Lan và Italy khi tham gia cuộc toạ đàm mang tên “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức trực tuyến hôm 19/11 tại hơn 30 điểm cầu ở trong và ngoài nước cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Trường Sa là sợi dây kết nối bà con ở nước ngoài. Với họ, những câu chuyện và cảm xúc trong các hải trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1… là kỷ niệm không bao giờ phai, giúp họ gắn bó hơn với quê cha đất mẹ. Chẳng thế mà sau khi đặt chân đến đảo, ông Giáp Văn Chung, Việt kiều tại Hungary đã xuất khẩu thành câu thơ đầy cảm xúc: “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc thật gần trong tim”. Chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch CLB Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan thì kể, sau những chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK1 đó, những người Việt Nam đang sinh sống ở châu Âu đã thành lập một hội với gần 100 thành viên. Đây là nơi bà con cùng nhau ôn lại kỉ niệm, kết nối thông tin và tập hợp nguồn lực hướng về Trường Sa, cũng như chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.

Theo ông Phạm Quang Hiệu – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, liên tục từ năm 2012 đến năm 2019, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. “Bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao rõ rệt sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, CH Czech.., Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore…; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa … Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng, trong đó có một xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ, hơn 3 tỷ đồng vào “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *