Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
87103

Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng

Người xưa chơi đàn theo tôi có ba lẽ: thứ nhất là thể hiện kỹ thuật, tài năng (cái này phù hợp nhất với người nữ); thứ hai là thể hiện, gửi gắm nỗi lòng – tâm sự hoặc ý chí – hoài bão qua tiếng đàn (những tiếng đàn này nhiều khi không cần thính giả, người nghệ sĩ có thể chơi đàn một mình ở nơi hoang vắng); thứ ba là chơi đàn để kiếm tìm tri âm tri kỷ. Nói đến tiếng đàn tìm tri âm tri kỷ phải nhắc trước tiên đến chuyện Bá Nha – Tử Kỳ.

Trong văn học thời trung đại của người Việt, đại thi hào Nguyễn Du có lẽ là người  có nhiều dụng công trong việc tả tiếng đàn hơn cả. Trong kiệt tác Truyện Kiều có tới 8 lần miêu tả Thúy Kiều đánh đàn, trong số 8 lần ấy có 4 lần được miêu tả khá kỹ lưỡng, chi tiết. Đó là các lần: Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe trong buổi đầu gặp mặt, Thúy Kiều vừa đánh đàn vừa hầu rượu Hoạn Thư – Thúc Sinh trong thân phận nàng hầu, Thúy Kiều vừa dâng rượu vừa đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe sau cái chết của Từ Hải và Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng trong ngày đoàn viên tái ngộ. Cả bốn lần Kiều chơi đàn đều gắn với những nỗi buồn. Trong lần đầu tiên, nỗi buồn mơ hồ chưa rõ, chừng như là một dự báo về số phận của nàng, bộc lộ một tâm hồn đa sầu đa cảm: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa/ Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu. Ở lần thứ hai và thứ ba, nỗi buồn trong tiếng đàn là những nỗi buồn có thực, gắn với những biến cố bi thương trong cuộc đời Kiều. Tiếng đàn trong tiệc rượu nhà Hoạn Thư là nỗi tủi đau của mối tình ngang trái bẽ bàng, đau lòng vì người từng đầu gối tay ấp ngay bao ngày giờ ngồi kề bên mà chẳng thể bảo vệ cho mình: Bốn dây như khóc như than/ Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. Trong lần đánh đàn hầu Hồ Tôn Hiến, tiếng đàn là nỗi đau khổ tột cùng của sự đổ vỡ, chia lìa tang tóc, chấm dứt mọi hy vọng về tương lai: Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay/ Ve ngâm vượn hót nào tày/ Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu/ Hỏi rằng:“Này khúc ở đâu?/Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”/ Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này/Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ/ Cung cầm lựa những ngày xưa/ Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”. Và ở lần đánh đàn cuối cùng của Thúy Kiều, công bằng mà nói, tiếng đàn có chút vui vầy ấm cúng của ngày đoàn tụ, song vui trước mà buồn sau, tiếng đàn ấy là sự chứa chất của bao tháng năm lưu lạc cũng như của cả cuộc đời tài hoa bạc mệnh mang tên Thúy Kiều: Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa/ Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/ Khúc đâu êm ái xuân tình/ Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên/ Trong sao châu nhỏ duềnh quyên/Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông/ Lọt tai nghe suốt năm cung/ Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.

Văn học dân gian của người Việt cũng còn những tiếng đàn đặc biệt khác. Đó là tiếng đàn oan khuất của Thạch Sanh khi bị Lý Thông vu oan ném vào ngục tối: Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai đem công chúa dưới hang trở về. Cũng chính tiếng đàn Thạch Sanh đẩy lui quân giặc, biến nguy thành an. Người Việt còn có những câu ca ngợi tiếng đàn bầu – nhạc cụ truyền thống điển hình nhất trong đời sống dân gian: Đàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Những tiếng đàn còn gây nên nguồn cảm hứng cho bao thi phẩm nổi tiếng khác trong nền văn học hiện đại Việt Nam sau này như Nguyệt cầm – Xuân Diệu, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế – Văn Cao, Đàn bầu – Lữ Giang.

Ai đó đã nói khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Âm nhạc còn làm được hơn như vậy. Thế giới của con người mãi mãi cần cả ngôn ngữ bằng lời lẫn ngôn ngữ của những tiếng đàn. Những tiếng đàn mang đến yêu thương và chia sẻ, sưởi ấm lòng người những khi lạnh lẽo, tưới mát hồn ta mỗi lúc khô cằn. Tiếng đàn hướng chúng ta đến chân, thiện, mỹ và còn vang vọng mãi qua mọi cách biệt của không gian lẫn thời gian…/.

ĐỖ ANH VŨ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *