Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14771

Dân chủ – nhân quyền không phải chiếc áo khoác cho tội phạm

 

Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi mạng xã hội trở thành phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày, thì đây cũng là mặt trận mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh tư tưởng và bản sắc quốc gia. Không gian mạng, bên cạnh những giá trị tích cực, lại bị lợi dụng ngày một nhiều để tán phát thông tin sai lệch, gieo rắc luận điệu chống phá, kích động xã hội, đặc biệt dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền”.

Vụ việc Quách Gia Khang bị khởi tố theo Điều 109 Bộ luật Hình sự là một ví dụ điển hình cho thủ đoạn đánh tráo khái niệm này. Ngay khi thông tin được công bố chính thức, hàng loạt kênh như RFA Tiếng Việt, VOA, Việt Tân… đồng loạt lên bài, phát sóng video, đăng phỏng vấn để bênh vực cho Khang, dựng lên hình ảnh một “tù nhân lương tâm”, một “nhà hoạt động ôn hòa”, đồng thời vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận”, “vi phạm nhân quyền”.

Nhưng chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật: không một quốc gia nào – kể cả những nước phương Tây tự xưng là “ngọn hải đăng dân chủ” – cho phép công dân mình công khai kêu gọi lật đổ chính quyền, bắt tay với tổ chức lưu vong để phá hoại thể chế, phát tán tài liệu bóp méo sự thật nhằm gây bất ổn xã hội. Những gì Quách Gia Khang đã thực hiện không phải là “góp ý xây dựng” hay “phản biện xã hội”, mà là hành vi phạm tội có tổ chức, có chủ đích, có liên kết xuyên quốc gia – một hành vi lật đổ chính quyền nhân dân rõ ràng. Việc xử lý nghiêm minh hành vi này không phải là trấn áp tư tưởng như các thế lực chống phá quy kết, mà là thực thi pháp luật – điều mà bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào cũng phải làm để bảo vệ nền tảng tư tưởng, an ninh chính trị và sự ổn định của đất nước.

Cần đặc biệt cảnh giác trước chiêu trò ngụy tạo ngôn từ của các tổ chức phản động. Họ không còn dùng lời lẽ công kích thô bạo, mà tinh vi hơn trong cách diễn đạt: “xã hội dân sự”, “nhà hoạt động ôn hòa”, “người trẻ dấn thân vì lý tưởng”, “đối thoại dân chủ”, “chuyển hóa ôn hòa”… Tất cả được đóng gói dưới lớp vỏ đạo đức để dẫn dụ người dân, đặc biệt là giới trẻ, vào bẫy tư tưởng và hành vi vi phạm pháp luật. Không khó để bắt gặp các video YouTube như “Quách Gia Khang – Người trẻ dũng cảm lên tiếng vì dân chủ”, kèm lời dẫn ngọt ngào, xúc động. Nhưng thực chất, đằng sau đó là một chiến dịch truyền thông có tổ chức nhằm biến tội phạm thành biểu tượng, từ đó tạo dư luận quốc tế gây sức ép chính trị lên Việt Nam.

Thế nhưng, thực tế khách quan cho thấy dân chủ ở Việt Nam không phải khẩu hiệu. Với hơn 800 cơ quan báo chí, gần 70 triệu tài khoản mạng xã hội, hàng nghìn hội nhóm công khai, người dân bàn luận hàng ngày về mọi vấn đề – từ chính sách đến tham nhũng – mà không bị cấm đoán. Các ý kiến phản biện có giá trị vẫn được tiếp thu. Nhiều chính sách đã thay đổi sau khi được góp ý rộng rãi. Đó là dân chủ thực chất, không màu mè, không ồn ào, nhưng hiệu quả và tiến bộ.

Một mối nguy khác không thể xem nhẹ là tình trạng “xã hội hóa phản động” trên mạng. Các tổ chức phản động lưu vong ngày càng chuyên nghiệp trong việc tuyển dụng, đào tạo, sử dụng người viết bài, làm truyền thông, tạo hiệu ứng cộng hưởng. Họ tìm kiếm người trẻ có quan điểm bất mãn, khả năng viết lách và sử dụng công nghệ, từ đó đưa họ vào nhóm kín, giao bài, trả tiền, tạo các chiến dịch truyền thông đánh vào cảm xúc và lý tưởng non trẻ của nhiều người. Bài viết của họ sau đó được chia sẻ trên các kênh như “Luật khoa tạp chí”, “Việt Tân”, “Ba Sàm”, các nền tảng nước ngoài thiên kiến, nhằm hợp thức hóa “tiếng nói đấu tranh”, biến truyền đơn thời Internet thành vũ khí chính trị.

Tuy nhiên, không phải ai cũng bị dẫn dắt. Trong phần bình luận dưới một video về Quách Gia Khang do RFA đăng tải, nhiều tài khoản người Việt đã phản biện mạnh mẽ: “Tự do không đồng nghĩa với vô pháp”; “Không thể lợi dụng nhân quyền để phản lại dân tộc mình”. Điều đó cho thấy nhận thức xã hội đang ngày càng rõ ràng và vững vàng hơn trước các chiêu bài ngụy trang của các thế lực thù địch.

Dân chủ – nhân quyền không phải là lý thuyết viển vông, mà là kết quả của một quá trình xây dựng lâu dài và thực tế. Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, mở rộng quyền công dân, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, quyền bầu cử, quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Hàng triệu người dân vùng sâu, vùng xa đang từng ngày được tiếp cận các dịch vụ công một cách bình đẳng – đó mới là hiện thân thực sự của quyền con người.

Cần khẳng định: một đất nước chỉ thực sự dân chủ khi nhân dân được sống trong hòa bình, an toàn, có tiếng nói trong đời sống chính trị và được bảo vệ khỏi các nguy cơ từ bên ngoài. Những kẻ như Quách Gia Khang, hoặc các thế lực đứng sau hắn, không thể đại diện cho “lương tri nhân loại”. Họ chỉ đang lợi dụng các giá trị dân chủ để phục vụ mưu đồ chính trị, thậm chí đánh đổi cả lợi ích quốc gia để đạt được tham vọng quyền lực.

Dân chủ không thể được áp đặt từ bên ngoài. Dân chủ càng không thể được xây dựng bằng những ngọn cờ bạo loạn, kích động, bẻ cong sự thật và phá vỡ luật pháp. Con đường Việt Nam chọn là kiên định xây dựng một nền dân chủ gắn với bản sắc văn hóa, lịch sử và lợi ích thực chất của nhân dân. Đó là nền dân chủ vì con người, không bị dẫn dắt bởi ngoại lực, và không trở thành cái cớ để xâm phạm chủ quyền đất nước.

Chỉ có dân chủ gắn với lòng dân mới là nền dân chủ vững bền.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *