Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
94019

Đảm bảo quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài Kỳ 3: Việt Nam chủ trương không đưa người lao động đi làm việc bằng mọi giá, mà phải đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo đảm người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Một số tổ chức nhân quyền ra thông cáo cho rằng có tình trạng lạm dụng người lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, kêu gọi chấm dứt tình trạng mua bán người ở hai nước, cho rằng chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam lơ là, tắc trách trong công tác bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ và bảo hiểm nghề nghiệp của người lao động khi lao động ở nước ngoài. Một số tổ chức phản động tiếp tục xuyên tạc về tình hình đời sống, các vụ việc nhạy cảm (bạo hành, nợ lương…) liên quan số lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út để xuyên tạc, chỉ trích, vu cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền, có liên hệ với các đường dây buôn người. Đây là những đánh giá thiếu khách quan, hòng lợi dụng danh nghĩa bảo vệ người Việt Nam lao động tại nước ngoài để lôi kéo người tham gia tổ chức, làm nóng vấn đề lên các diễn đàn quốc tế, khuếch trương thanh thế của “tổ chức”, làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, chống phá Đảng, Nhà nước ta. 

Cơ hội đi đôi với thách thức

Với chủ trương không đưa người lao động đi làm việc bằng mọi giá, mà phải đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo đảm người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp với trình độ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của người lao động. Điều 4 của Luật số 69 đã quy định theo hướng khuyến khích người lao động đi làm việc ở ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, việc làm có thu nhập cao, làm việc ở những ngành, nghề, công việc cụ thể ở nước ngoài để qua đó giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, sau khi người lao động về nước có thể phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Bên cạnh đó, người lao động được bảo đảm quyền bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không bị phân biệt đối xử và được hỗ trợ bảo vệ phù hợp với đặc điểm về giới.

Lao động làm thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc làm việc

Trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các khu vực trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như nguy cơ tiềm ẩn khoảng hoảng kinh tế, chính trị, thiên tai và dịch bệnh trên thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đem đến những cơ hội và thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến chủng mới càng làm tăng lên mối lo ngại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ 2020 đến nay, do không có các chuyến  bay thương mại, cũng như chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ của các nước, nên có hàng chục nghìn người lao động không đi làm việc ở nước ngoài được, cũng như người lao động hết hạn hợp đồng không trở về nước được. Việc người lao động hết hạn hợp đồng không về nước được đã tạo ra sức ép tâm lý lớn, một số lao động đã thông qua mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tích cực trong việc phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động về điều kiện làm việc, sinh hoạt và chi phí vé máy bay về nước. Lợi dụng những thông tin phản ánh tiêu cực của người lao động trên mạng xã hội, một số báo, đài nước ngoài và tổ chức phản động đã đưa ra những tố cáo xuyên tạc các chủ trương, chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài của ta.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Trước thực tế trên, nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng của Việt Nam hiện nay trước tiên  là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết Luật số 69 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ của các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương, cơ sở, cụ thể Nghị định 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật số 69 và Hệ thống cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ hai, thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua đó ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh với người lao động. Đặc biệt phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại sớm tổ chức các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đón người lao động hết hạn hợp đồng về nước.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Lưu ý khi đưa các thông tin về vụ việc người lao động ở nước ngoài, tránh để các tổ chức phản động lợi dụng nói xấu chủ trương, chính sách của ta về lĩnh vực này.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động, tạo vị thế của người lao động ở nước ngoài, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động, cũng như phòng tránh tình trạng lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài;

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này./.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *