Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25223

Đại học Đông Đô bị cáo buộc cấp bằng giả thế nào

Dương Văn Hòa, cựu hiệu trưởng Đại học Đông Đô, cùng hai hiệu phó bị cáo buộc cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh và chứng nhận giả để thu lợi trên 7 tỷ đồng.

Phiên sơ thẩm được TAND Hà Nội dự kiến mở sáng 26/11 song nhiều luật sư có đơn xin hoãn nên HĐXX quyết định lùi sang 23/12. Phiên tòa dự kiến kéo dài ba ngày do thẩm phán Phạm Năng Thành là chủ toạ.

Toà sẽ triệu tập 30 người liên quan và 200 người làm chứng. 24 luật sư đăng ký bào chữa cho 10 bị cáo.

Trong vụ án này, ông Hoà cùng 9 người khác là Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng hiệu phó; Trần Ngọc Quang, phó trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên, Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng tài vụ; Phạm Vân Thuỳ, Nguyễn Thị Ngọc Thái và Ngô Quang Hiển, đều là nhân viên Viện đào tạo liên tục; Lê Thị Thanh Tâm và Lê Thị Lương, nhân viên Viện 4.0 đều bị đưa ra xét xử về tội Giả mạo trong công tác theo điều 359 Bộ luật Hình sự.

Trần Khắc Hùng, cựu chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, bị xác định là chủ mưu nhưng đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Cơ quan An ninh điều tra tống đạt quyết định khởi tố Lê Ngọc Hà. Ảnh: Bộ Công an

Đại học Dân lập Đông Đô thành lập từ năm 1994. Năm 2018, Trần Khắc Hùng ký quyết định thành lập Viện đào tạo và Phát triển công nghiệp 4.0 với mục đích đào tạo văn bằng 2.

Quá trình hoạt động, Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có môn tiếng Anh. Tuy nhiên năm 2015-2018, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt tuyển sinh nên đã thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2.

Chủ tịch Hùng bị cáo buộc đã chỉ đạo hiệu trưởng Hoà ký ban hành các quy định về mức thu học phí toàn khoá với hệ văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Mức tiền từ 29,8 đến 35 triệu đồng một khoá trên một học viên. Đồng thời Hùng ban hành chương trình đào tạo văn bằng 2 chính quy ngành ngôn ngữ Anh với số lượng 71 tín chỉ, trong thời gian 2 năm.

Khi tuyển sinh thấy nhiều người có nhu cầu nên cuối năm 2017, Hùng tổ chức họp quán triệt chủ trương cấp văn bằng 2 chính quy tiếng Anh cho người muốn lấy bằng mà không muốn qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.

Tại Viện Đào tạo liên tục, bị can Oanh đã chỉ đạo Thuỳ, Thái, Hiển tiếp nhận hồ sơ học viên mà không tổ chức thi đầu vào. Nhóm này hợp thức các bài thi bằng cách phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Có trường hợp không phải hợp thức bài thi mà “vẫn qua môn để lấy bằng”.

Tại Viện 4.0, bị can Hà chỉ đạo Tâm, Lương nhận hồ sơ, tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi. Sau khi học viên hoàn thiện bài thu, nhóm này rọc phách, chuyển cho các giáo viên của trường chấm bài, tổng hợp kết quả, lập bảng điểm khoá học cho từng học viên.

Nhà chức trách cáo buộc, trên danh sách đề nghị in bằng, bị can Thuỳ và Tâm là người lập “danh sách đề nghị in bằng”; Oanh và Hà ký tại mục “trưởng đơn vị”; Huệ ký “xác nhận học viên đã nộp tiền”. Hoà ký tại mục “hiệu trưởng”, Hà ký tại mục “Ban in bằng”. Sau khi in bằng, Dương Văn Hoà ký phát hành.

Hùng bị cáo buộc đã chỉ đạo các thuộc cấp lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tiếp nhận hồ sơ, làm giả các thủ tục, hợp thức hoá giấy tờ, bài thi, bảng điểm để cấp văn bằng 2 cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy không đúng quy định.

Cáo trạng nêu, từ tháng 4/2018 đến 3/2019, Đại học Đông Đô đã cấp 429 văn bằng và hai giấy chứng nhận giả, thu hơn 7 tỷ đồng. Cảnh sát đã triệu tập, làm rõ 210 người được cấp văn bằng giả, thu hơn 2,7 tỷ đồng.

Sau khi bị phát hiện, các bị can có dấu hiệu tiêu huỷ hồ sơ lý lịch các học viên và sổ sách liên quan gây khó cho công tác điều tra. Trong 210 người được cấp bằng giả, 67 người dùng làm nghiên cứu sinh, 9 người để dùng để học thạc sĩ, nộp thi ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức,…

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *