Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21481

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến tháng 11/2019, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa, tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đồng thời tăng cường cơ sở pháp lý bảo đảm quyền của người lao động.

Sự cần thiết gia nhập Công ước 105

Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế – quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế – xã hội, cụ thể như sau:

Về chính trị, việc gia nhập Công ước số 105 góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phải bảo đảm vừa phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam, vừa phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Ngày 20/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã xác định mục tiêu cụ thể đó là “hoàn thiện thể chế về lao động – xã hội theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, trong đó có các tiêu chuẩn lao động của ILO. Ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2528/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của Liên hợp quốc và Tổ chức ILO trong lĩnh vực lao động – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có kế hoạch gia nhập Công ước số 105.

Việc gia nhập Công ước số 105 tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế – quốc tế một cách sâu rộng, đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2); Việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO (Điều 3 Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững – Hiệp định EVFTA).

Về pháp lý, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người…). Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 105. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Về kinh tế – xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức quy định trong Công ước số 105 thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa, thông qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trưởng EU và Hoa Kỳ, từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Khi trở thành thành viên của Công ước số 105, Việt Nam có những quyền và lợi ích cơ bản trong đó trọng tâm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. Thứ nhất, Việt Nam có quyền bãi ước/rút khỏi Công ước số 105 sau khi gia nhập. Thứ hai, đối tượng hướng đến của Công ước số 105 là người lao động. Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động. Thứ ba, người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thứ tư, nhà nước và xã hội cũng được hưởng lợi từ do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội. Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105.

Khi trở thành thành viên của Công ước số 105, bên cạnh những quyền lợi Việt Nam còn có những nghĩa vụ cơ bản. Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp với Công ước. Qua rà soát nghiên cứu cho thấy các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước số 105. Vì vậy, không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước này. Sau khi gia nhập Công ước này, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của  ILO.

Bảo đảm quyền của người lao động

Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng an toàn; được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi”  và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu” (Khoản 3 Điều 35 Hiến pháp năm 2013). Việc gia nhập Công ước số 105 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tăng cường sự ổn định của an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần thực hiện một số công việc cụ thể sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó tập trung việc tuyên truyền rõ việc gia nhập Công ước số 105 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tăng cường sự ổn định của an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội. Việc gia nhập Công ước số 105 bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta với phương châm độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đồng thời, việc gia nhập công ước không những không có xung đột mà còn hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là công ước số 29 – Công ước cùng cặp tiêu chuẩn lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và  Công ước của Liên hợp quốc về Quyền dân sự và chính trị.

Thứ hai, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức. Nội dung cần nhấn mạnh những lợi ích của việc gia nhập, trách nhiệm và nghĩa vụ khi Việt Nam chính thức gia nhập công ước, đặc biệt nhấn mạnh để họ hiểu rõ cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập. Cam kết loại bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công hay như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức. Cơ sở dữ liệu thông tin này có thể kết hợp với cơ sở dữ liệu về công dân, cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động và có tính liên thông, chia sẻ để người sử dụng lao động, doanh nghiêp, cơ quan, tổ chức có liên quan có thể khai thác nhằm phòng, ngừa và tránh vi phạm về lao động cưỡng bức, là cơ sở để các cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Thứ tư, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105. Trong đó, ưu tiên tăng cường năng lực cho cơ quan thanh tra về lao động, các cơ quan giám sát ở Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội để thực hiện chức năng giám sát xã hội đối với việc thực hiện công ước 105.

Thứ năm, định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Tổ chức ILO về việc triển khai thực hiện Công ước số 105. Việc tổng hợp báo cáo là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tuy nhiên cần có sự tích cực phối hợp của các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội để đảm bảo nắm chính xác tình hình thực hiện công ước, đặc biệt là những tồn tại, khó khăn, hạn chế để kịp thời có biện pháp tháo gõ nhằm thực hiện có hiệu quả nhất công ước, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế ngày một sâu sắc hơn, luôn thực hiện tốt vai trò là một thành viên có trách nhiệm của ILO./.

Box: Việt Nam hiện là thành viên của nhiều điều ước quốc tế, trong đó có các công ước nhân quyền của Liên Hợp quốc và các công ước của Tổ chức ILO. Việc gia nhập Công ước số 105 không những không có xung đột mà còn hỗ trợ việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước số 29 của ILO – Công ước cùng cặp tiêu chuẩn lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và  Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền dân sự và chính trị.

Box: Việc gia nhập Công ước số 105 bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta với phương châm độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 

Box bài :     

XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

LÊ NGÂN

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2. Từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục, cụ thể như sau:

  1. Điều 1 Công ước số 105 quy định xóa bỏ lao động cưỡng bức trong 5 trường hợp:

Mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó: a) như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập; b) như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; c) như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công; d) như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

  1. Điều 2 Công ước số 105 quy định:

Mọi Nước thành viên của ILO đã gia nhập Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại Điều 1 Công ước này.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *