Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27146

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công nhờ vào “một khoảng trống quyền lực”?

 

Lâu nay, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, ngày Quốc khánh 2/9 là những kẻ tự nhận “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” lại nhai đi nhai lại thứ luận điệu xuyên tạc cũ rích rằng, Việt Minh giành độc lập nhờ “may mắn”, nhờ “khoảng trống quyền lực”, hoặc Việt Minh cướp tính chính danh Chính phủ Trần Trọng Kim, là nội chiến chứ không phải đánh đuổi quân xâm lược là thực dân Pháp, phát xít Nhật,… nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động nắm bắt thời cơ, chuẩn bị đầy đủ thế và lực giành quyền lãnh đạo đất nước khi phát xít Nhật thua đồng minh, Pháp bị suy yếu, Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là bù nhìn do Nhật dựng lên, không có thực lực.

Chẳng hạn mới đây, ngày 5/8/2022 trang của Tập hợp dân chủ đa nguyên đăng lại bài viết từ năm 2018 của Mai V. Phạm cho rằng “thất bại của Nhật khiến Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim được Nhật bảo hộ suy yếu. Chính điều này đã tạo ra một “khoảng trống quyền lực” và Việt Minh đã biết tận dụng đúng lúc để lấp khoảng trống này” nhằm giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cây viết Trần Trung Trực đã đưa ra hàng loạt dữ kiện phơi bày luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của thứ luận điệu này.

Thứ nhất, trong bài viết của mình, những ý kiến của William J. Duiker, trong cuốn “Vietnam: Nation in Evolution”, xuất bản năm 1983 ghi nhận: “Cách mạng tháng Tám thực ra chỉ là cuộc chuyển giao quyền lực nhanh chóng và hầu như không phải đổ nhiều xương máu”; dẫn ý kiến của Stein Tonnession, trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War”, xuất bản năm 1991 nhận định: “Vai trò lãnh đạo của Việt Minh và lực lượng quân giải phóng chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong cuộc Cách mạng tháng Tám” hay việc Trần Trọng Kim cho rằng: “Về đường binh lực, lúc ấy Việt Minh không có gì thật. Nhưng cái phương lược của họ đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng đi theo, chứ không đánh bằng binh khí” được Mai.V. Phạm viện dẫn nhằm nói về “một khoảng trống quyền lực” mà nhờ đó Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công dễ dàng. Đây không chỉ là cách tiếp cận không phản ánh đúng cục diện, thời cuộc khi đó mà còn là góc nhìn không khách quan, toàn diện về diễn tiến và nguyên nhân thắng lợi của cuộc Cách mạng vĩ đại này.

Lịch sử là một dòng chảy, khách quan, song đánh giá lịch sử đúng lịch sử còn phụ thuộc vào cách tiếp cận, nguồn sử liệu chính xác và phương pháp luận đúng đắn, toàn diện. 77 năm sau thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc cách mạng mùa Thu đó, có thể khẳng định rằng: Có rất nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan) để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, song nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là Đảng đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam một cách độc lập, tự chủ, đúng đắn với chiến lược, sách lược phù hợp, linh hoạt. Đồng thời, thắng lợi đó cũng là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng chính trị của quần chúng (tập hợp trong Mặt trận Việt Minh), xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng (Cứu quốc quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau hợp thành Việt Nam giải phóng quân): xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc để tạo thế và lực cho cách mạng; nhận thức về thời cơ, chủ động đón thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định, để vùng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp cùng chế độ phong kiến…

Vì thế, thắng lợi này không có sự ăn may, càng không phải dễ dàng giành được, nếu như cách mạng Việt Nam không có Đảng Cộng sản lãnh đạo, với một đường lối đúng đắn, một chiến lược phù hợp và sách lược sáng tạo, linh hoạt; nếu như không có sự chuẩn bị, tập dượt lực lượng đấu tranh cách mạng được trải nghiệm qua 3 cao trào cách mạng (1930-1931); (1936-1939); (1939-1945) và đặc biệt là quá trình khởi nghĩa từng phần tiến đến Tổng khởi nghĩa giành và thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước trong những ngày Tháng Tám lịch sử. Và cũng vì thế, những ý kiến viện dẫn rằng nhiều học giả nghiên cứu nước ngoài kết luận rằng “đảng cộng sản có thể dễ dàng lên nắm quyền là vì thời cơ của “khoảng trống quyền lực” và “yếu tố thời cơ là điều kiện cần có cho bất kì cuộc cách mạng nào. Thời cơ càng chín muồi, thì cách mạng càng dễ dàng đi đến thắng lợi và Cách mạng tháng Tám cũng không là ngoại lệ” đều là nhận định thiếu thiện chí, không khách quan và hạ thấp ý nghĩa lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.

Thứ hai, việc các học giả nước ngoài như William J. Duiker, Stein Tonnession, Trần Trọng Kim hay Mai.V. Phạm và ai đó nữa mỗi khi nói đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mà gắn với cái gọi là “khoảng trống quyền lực”; là cho rằng cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo này “dễ dàng thành công”, “là một sự ăn may”… chính là nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đồng tâm, hiệp sức vùng lên “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, để đi đến phủ nhận thắng lợi sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong hành trình 15 năm đấu tranh gian khổ để giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (1930-1945).

Song khác với một số ý kiến đã nêu trên, nhà văn, nhà báo người Mỹ Lady Borton (tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, Hà Nội, tháng 5/2010) đã cho rằng: “Khi nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền, các lực lượng chính trị và quân sự tại đây vẫn còn nguyên và tiếp tục những cố gắng của mình”[1]. Quan điểm này không chỉ ngược với ý kiến của Stein Tonnesson, William. J. Duiker và Trần Trọng Kim mà còn là sự nghiên cứu và nhận thức đúng thực tế ở Việt Nam khi đó.

Trên thực tế, việc Liên Xô và quân Đồng Minh đánh bại phát xít Nhật chỉ tạo ra điều kiện khách quan thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, chứ không phải khi Nhật đầu hàng Đồng Minh là quân Nhật “nằm im” để dâng chính quyền cho Việt Minh, mà là chúng kiên quyết giữ bằng mọi giá. Bởi, khi đó lực lượng quân đội Nhật ở Việt Nam còn rất mạnh (khoảng hơn 90.000 quân, với đầy đủ vũ khí, trang bị và đóng giữ tại các vị trí phòng thủ của mình); nhất là Nhật vẫn xác định Việt Nam là đầu cầu liên lạc cuối cùng của họ đối với Đông Nam Á và Nhật rất sợ mất quyền lợi và danh dự của mình  ở đây. Và đương nhiên, ở vào thời điểm nhạy cảm đó, quân Nhật vẫn nổ súng vào bất cứ lực lượng nào để không chỉ tự vệ, giữ gìn trật tự nơi đóng quân mà còn là để chờ quân Đồng Minh tới giải giáp…

Về phần Chính phủ Trần Trọng Kim thì cho đến ngày 23/8/1945, chính phủ thân Nhật này (thành lập 17/4/1945) vẫn tồn tại, hoạt động và ra sức kìm chế mọi hoạt động của Việt Minh. Đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim từng gặp đại diện Ủy ban khởi nghĩa đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa và mặc cả với Việt Minh về việc phân chia nắm giữ các địa bàn nông thôn và thành phố; thậm chí đã có ý định lôi kéo Việt Minh tham gia Chính phủ này nhằm không hoạt động chống lại quân Nhật, song đã bị Việt Minh từ chối dứt khoát: “Giao dịch với Đồng Minh lúc này, ngoài Việt Minh không ai có thể có lực lượng và danh nghĩa cả”[2]

Thứ ba, chắc chắn là được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển; với hệ thống tổ chức có quy mô, phạm vi toàn quốc ở cả nông thôn và thành thị; với vị trí, vai trò và uy tín của mình do Đảng Cộng sản lãnh đạo, lại được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, khi đó Việt Minh đã chiếm được quyền lực chính trị ở nhiều nơi. Quần chúng nhân dân đã tin tưởng Việt Minh cũng như tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải Việt Minh chỉ “đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng đi theo”, “miễn làm cho người ta mắc lừa hay sợ mà theo mình là được” như Mai V. Phạm viện dẫn, quy chụp.

Dẫn lại một vài sự kiện chính, một vài ý kiến đánh giá khách quan về thời điểm nhạy cảm đó, để thêm một lần khẳng định rằng không hề có sự ăn may, càng không có “một khoảng trống quyền lực” nào khi đó, mà chỉ có một thời cơ thuận lợi, chín muồi (tồn tại trong một thời gian rất ngắn). Khi có cơ hội như vậy, rất nhiều đảng phái chính trị, lực lượng trong nước như Việt Nam Quốc dân Đảng, Cao Đài, Hoà Hảo… đều chạy đua để giành địa vị chính trị của mình. Tuy nhiên, vì được chuẩn bị công phu, chu đáo về mọi mặt và dự đoán chính xác, nên theo đúng lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó đang ốm rất nặng) là: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh lớn tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chớp thời cơ kịp thời, phát động quần chúng vùng lên Tổng khởi nghĩa mau lẹ, đúng lúc và giành thắng lợi.

Và vì thế, William J. Duiker, người đầu tiên đưa ra khái niệm “khoảng trống quyền lực” nhưng cuối cùng cũng đã dứt khoát thừa nhận rằng: “Chỉ riêng các điều kiện khách quan thì không làm nên một cuộc cách mạng, và ở đây công lao thuộc về những người cộng sản… Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương sở hữu ý thức về sự kịp thời và thấu hiểu được sự tinh tế có tính chiến lược của hoàn cảnh để vùng lên đúng lúc. Điểm cuối cùng này mới là quan trọng”[3].

Chắc chắn từ nay đến Quốc khánh 2/9, những luận điệu tương tự lại được đào bới nhằm xuyên tạc lịch sử bằng chiêu trò, thủ đoạn khác nhau. Ý kiến của cây viết Trần Trung Trực hẳn là một vài trong số các căn cứ xác đáng để phủ nhận, đạp tan luận điệu này.


[1] Báo Thanh Niên điện tử, ngày 20/8/2012

[2] Archimedes L.A Patti: Tại sao Việt Nam?, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr.302-303

[3] Phạm Hồng Tung: Cấu trúc quyền lực ở Việt Nam sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 và vấn đề “khoảng trống quyền lực” trong Cách mạng tháng Tám, Trang thông tin của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ngày 21/8/2015

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *