Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
45294

Xuyên tạc “ngoại giao cây tre”: dã tâm của kẻ phá hoại lợi ích quốc gia – dân tộc!

 

Năm 2023, công tác đối ngoại là “điểm sáng nổi bật” trong bức tranh Việt Nam, thể hiện rõ nét trường phái đối ngoại “cây tre Việt Nam” với 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương. Thế nhưng, chính vì lẽ đó, các đối tượng phản động, thế lực thù địch lại giở thói “ghen ăn tức ở”, “chọc gậy bánh xe”, xuyên tạc đường lối ngoại giao của Đảng ta. Chẳng hạn như trang Tập hợp dân chủ đa nguyên có bài viết “Những điều vô lý kỳ cục trong chính sách đối ngoại của Đảng Cộng Sản VN” cố tình xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm phá hoại công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước.

Mở đầu, chúng đã lộ rõ âm mưu phá hoại, tư tưởng chống đối, gây chia rẽ, kỳ thị về ngoại giao cây tre khi cho rằng “chính sách ngoại giao cây tre là một thứ ngoại giao đáng khinh, bất chấp lẽ phải, không có bạn, chỉ kiếm lợi”.  Thực tế thì sao?

– Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia (gồm 192/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc). Đảng ta thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân, phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Trong năm 2023, chúng ta tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác, tạo những dấu ấn mới, củng cố vững chắc quan hệ với các nước giềng. Việt Nam đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, trong đó có việc nâng tầm và tạo những đột phá. Chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc cùng với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc; Việt Nam – Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững là những dấu ấn lịch sử quan trọng, thể hiện thành công từ việc xây dựng lòng tin trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

– Sau đó, trang tin này bịa đặt, công kích rằng thực chất Đảng ta không theo “ngoại giao cây tre” mà chọn chia sẻ tương lai chung với Trung Quốc, lệ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế thì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 và lớn nhất trong khu vực ASEAN của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD và đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng của năm 2023. Trung Quốc đứng thứ 6 trong số 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với vốn lũy kế đạt 26 tỷ USD. Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác khác như quốc phòng, an ninh, hạ tầng, giao thông, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, đào tạo, thể thao, khoa học, công nghệ… cũng được tăng cường.

Hơn nữa, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất thiết lập mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. 4 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Mỹ (327,2 tỉ USD), Nhật Bản (157 tỉ USD), Hàn Quốc (153,4 tỉ USD) và Australia (116,1 tỉ USD). Năm 2023, kim ngạch thương mại Nga – Trung Quốc đạt 114,5 tỉ USD đánh dấu mức tăng 40,6% so với một năm trước và lần đầu tiên đưa Nga vào danh sách 5 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Những năm gần đây, các địa phương ở Trung Quốc đưa vào vận hành và khai thác nhiều tuyến đường sắt liên vận kết nối với châu Âu, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên. Tháng 11 năm 2023, Trung Quốc và Uruguay đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ và nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế thương mại, nông nghiệp, văn hóa và hợp tác xây dựng Sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” (BRI). Điều này cho thấy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, khát vọng chung của toàn nhân loại. Chính vì vậy, không thể nói rằng, cứ hợp tác với Trung Quốc là “lệ thuộc”! Nếu nói vậy, Việt Nam còn xếp hàng sau nhiều nước về sự “lệ thuộc” vào Trung Quốc!?!

Những thành tựu đã đạt được cũng như thực tiễn sinh động về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam mà các thế lực thù địch rắp tâm chống phá! Để cuối cùng khẳng định rằng: không có gì cao quý hơn lợi ích quốc gia – dân tộc!

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *