Việc thu phí công đoàn là một yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động của tổ chức công đoàn, đảm bảo khả năng bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho người lao động. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đã giải trình về việc duy trì nguồn thu này, nhấn mạnh rằng nó nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, xuất hiện một số ý kiến công kích hay lo lằng rằng việc duy trì phí này sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, cho người tham gia, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, đây là hình thức “tận thu” hay “bóc lột” người lao động. Đây là những ý kiến thiếu khách quan, không toàn diện.
Thứ nhất, việc thu phí công đoàn là cần thiết để duy trì hoạt động của tổ chức công đoàn, chăm lo cho người lao động và đảm báo tính độc lập và hiệu quả hoạt đông của ngành công đoàn và công đoàn cơ sở:
– Phí công đoàn là nguồn tài chính chủ yếu để tổ chức công đoàn thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, bao gồm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, tham gia xây dựng chính sách, và tổ chức các hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đoàn viên.
– Nguồn thu từ phí công đoàn được sử dụng để tổ chức các chương trình phúc lợi, hỗ trợ người lao động trong các tình huống khó khăn, như ốm đau, tai nạn lao động, hoặc các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên.
– Việc thu phí từ đoàn viên giúp tổ chức công đoàn có nguồn lực tài chính độc lập, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài trợ khác, từ đó nâng cao tính khách quan và hiệu quả trong hoạt động.
Thứ hai, so sánh với các tổ chức công đoàn trên thế giới: Việc thu phí công đoàn là quy định chung ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, ở Đức, mức đóng thường là 1% thu nhập hàng tháng; ở Hoa Kỳ, dao động từ 1% đến 2%, ở Nhật Bản, phí công đoàn thường dao động từ 0,5% đến 2% thu nhập hàng tháng,…Điều này cho thấy việc thu phí để duy trì hoạt động công đoàn là thông lệ quốc tế, không chỉ riêng ở Việt Nam.
Thứ ba, cần thấy rằng tổ chức công đoàn là có đặc trưng khác so với các đoàn thể khác là công đoàn tham gia giải quyết mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động hay nói cách khác đó là mối quan hệ lao động chủ – thợ trong quá trình lao động sản xuất. Vì vậy, việc người sử dụng lao động trích nộp kinh phí công đoàn được xem như là một khoản đầu tư cho nguồn nhân lực, cho năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trước hết là cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế cho thấy, trích nộp kinh phí công đoàn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ từ 0,14% đến 0,2% trong giá thành sản phẩm. Như vậy, có thể nói việc trích nộp kinh phí công đoàn không làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Hiện nay, theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong số kinh phí công đoàn 2% thu theo tổng quỹ tiền lương thì được giữ lại để chi trực tiếp tại công đoàn cơ sở, doanh nghiệp là 75%, riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 100%. Trên thực tế, phần lớn kinh phí công đoàn được sử dụng để phuc vụ cho người lao động tại doanh nghiệp.
Không phải tự dưng mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh việc duy trì nguồn thu này là hợp lý, phản ánh đúng bản chất và mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Việc trích nộp kinh phí 2% cho hoạt động của tổ chức công đoàn có thể xem như một “khế ước xã hội” về cộng đồng trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cùng với chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiẻm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp của Nhà nước, kinh phí công đoàn góp phần để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động ngày càng được tốt hơn, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. Đây chính là nội dung ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, không rời bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% là cần thiết và hợp lý, nhằm đảm bảo tổ chức công đoàn có đủ nguồn lực để chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc quan tâm đến phúc lợi của nhân dân. Những luận điệu cho rằng đây là hình thức tận thu, bóc lột là thiếu cơ sở và không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.