Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22103

Từ “sợ trách nhiệm” đến “vô trách nhiệm”: Những sai lệch cần “cân” – “chỉnh”!

  Những biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời gian qua là hiện trạng đáng lo ngại, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy xấu. Nó không còn là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt mà diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành, rõ nhất trên lĩnh vực “nhạy cảm” như đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, dịch vụ. Những tiêu cực ấy đã và đang gây nên tình trạng chậm trễ, trì trệ, ách tắc hoạt động công vụ, bào mòn cơ chế, thể chế; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với Đảng, Nhà nước ta. Lợi dụng hiện trạng này, những thành phần cơ hội, thù địch lại khác, ra sức “bới lông tìm vết”, thêu dệt, xuyên tạc, bôi đen hiện tượng này nhằm chống phá công tác cán bộ của ta, sự điều hành của Chính phủ. Thủ đoạn như thường lệ là họ “đổ thêm dầu vào lửa”, cố tình thêu dệt, khuếch đại sự việc, thổi bùng lên thành “đám cháy” từ những hạn chế, bất cập của công tác cán bộ thời gian qua; lấy nó làm “tiêu điểm” để chống phá Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; xuyên tạc con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Họ vào hùa với nhau, kẻ tung người hứng, đồng thanh la ó với giọng điệu châm chọc “cứu hỏa Đảng”, rồi ra sức xuyên tạc, tung tin đồn nhảm, nhìn nhận công tác cán bộ của Đảng thời gian qua dặt màu xám xịt, “đen tối”. Họ đã phủ nhận sạch trơn những cố gắng của Đảng ta trong công tác cán bộ, những cống hiến quan trọng của đội ngũ cán bộ do Đảng lãnh đạo. Họ đổ lỗi, vu khống, gán ghép, cáo buộc Đảng ta “sai lầm nghiêm trọng trong việc dung túng, bao che” cho một bộ phận cán bộ, để họ suy thoái, biến chất, tha hóa; cho rằng “không phải ngẫu nhiên mà đội ngũ cán bộ hiện nay lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm…vì Đảng đã mắc những sai lầm trong thực hiện các nguyên tắc, quan điểm, quy trình…lựa chọn, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ”.

Họ xuyên tạc rằng cách thức lựa chọn, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử của Đảng chủ yếu là theo phe nhóm, ê kíp kiểu “con ông cháu cha”, “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” chứ không phải theo tiêu chuẩn, tiêu chí đức tài, phẩm chất và năng lực; nó hoàn toàn do người đứng đầu quyết định, còn “tổ chức đảng chỉ là cái bình phong che chắn”. Từ luận điệu xuyên tạc này, họ cho rằng, việc “mua quan, bán chức trong Đảng là một tất yếu của chế độ đảng độc tài”, “cứ có tiền là mua được quan chức”. Điều nhảm nhí hơn thế, một số người bất mãn, có quan điểm đối lập với Đảng ta cho rằng, kỷ luật đảng đối với một số cán bộ sai phạm, về thực chất, là triệt hạ lẫn nhau”, là “thanh trừng phe phái”, “đấu đá nội bộ giữa phe Đảng và phe Nhà nước; phe miền Bắc và phe miền Nam”. Từ câu chuyện một số cán bộ sợ sai không dám làm, họ vu cáo rằng “Đảng ta bất tài”, “chỉ lo thu vén cá nhân”, không quan tâm đến dân chúng vì thói quen “sống chết mặc dân”.

Ngạo mạn hơn thế, một số người còn quy kết “sự mất dân chủ là bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Từ đó, họ đòi Đảng phải thay đổi quy chế, quy trình, chế độ tranh cử công khai; không cần Đảng ra nghị quyết, hướng dẫn quy trình, các bước, các khâu của công tác cán bộ như quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ…, mà thực chất là từ bỏ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đây là điều mấu chốt nhất để họ cổ suý cho thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam… Đến đây thì “cái đuôi cáo” đã lòi ra, bị lộ tẩy, mục đích xấu sa đã phơi bày: họ muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội; “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Theo dõi sự chất vấn thẳng thắn, đầy ý thức xây dựng của các đại biểu Quốc hội về công tác cán bộ thời gian qua, nhất là việc phân tích căn nguyên cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm để tìm biện pháp khắc phục, họ lại hướng con mắt người dân nhìn sang hướng khác; cho rằng “Đảng đang chì chích Quốc hội; Quốc hội châm chích Đảng”; chất vấn tại Hội trường Diên Hồng của Quốc hội là cơ hội để “vùi dập cá nhân”, “thanh trừng nội bộ”, thể hiện “sự bằng mặt nhưng không bằng lòng”; gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, v.v..

Không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước, Quốc hội mới đề cập đến vấn đề này, mà ngay từ khi xuất hiện manh nha, biểu hiện, lãnh đạo Đảng đã phát đi nhiều cảnh tỉnh, nhắc nhở, răn đe. Đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở, được dư luận xã hội, cử tri và Nhân dân cả nước lên tiếng, vừa thể hiện cả sự trăn trở, lo lắng vừa có cả sự động viên, khích lệ, đầy ý thức xây dựng.

Đi trước, lo từ xa từ sớm với tinh thần quyết liệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số quy định chấn chỉnh hiện tượng này và Chính phủ đưa ra những chỉ đạo quyết liệt. Ngay từ tháng 9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và giao cho Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, qua quá trình xây dựng dự thảo nghị định. Ngày 19/4/2023, Chính phủ đã có Công điện 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, theo đó yêu cầu trong tháng 5 này phải báo cáo rõ những chuyển biến, những tiến bộ, những nơi làm không tốt. Mới đây nhất,  trong cuộc họp ngày 10/5/2023 của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã lần đầu tiên xác định nhiệm vụ ưu tiên là “chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Nhiệm vụ này được đặt ở vị trí số 1 trong các nhóm nhiệm vụ mà Thường trực BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng triển khai trong thời gian tới và giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm một số trường hợp người đứng đầu về trách nhiệm chính trị trong việc để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng ở đơn vị, địa phương mình qua đó răn đe, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực này.

Cũng không phải đến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV  vấn đề này mới làm nóng nghị trường Quốc hội với hàng loạt ý kiến mổ xẻ và đề xuất giải pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết quyết liệt, dứt điểm hiện trạng này  mà ngày từ nhiều kỳ họp trước của  Quốc hội khóa XV cuối năm 2022  đã đốt nóng vấn đề này.

Với tinh thần xây dựng và ý thức trách nhiệm trước Tổ quốc và Nhân dân,  Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã và đang phân tích thấu đáo tình hình, chỉ ra nguồn gốc, căn nguyện bệnh tình, đã “bắt mạch, kê đơn”, cho “liều thuốc” đặc trị căn bệnh này và tin tưởng rằng, những khó khăn, vướng mắc do căn bệnh này gây ra sẽ từng bước được khắc phục; đất nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhưng đồng thời, mỗi chúng ta cần cảnh giác với mưu đồg, thủ đoạn chống phá của những kẻ “đục nước béo cò”, nhưng kẻ không muốn Đảng, Nhà nước ta giải quyết, khắc phục khó khăn, hạn chế mà chỉ muốn thừa nước đục thả câu, đổ dầu vào lửa, kích động bất mãn xã hội, kích động sự chống phá nhằm vào thể chế chính trị hòng mưu đồ đen tối.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *