Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
261100

Quyền tham gia vào đời sống văn hoá theo luật nhân quyền quốc tế

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa thuộc nhóm các quyền văn hóa – là một các nhóm quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia.

Điều 27 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR – 1948) khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích từ đó.[1] Điều 27 UDHR cũng được tái khẳng định tại Điều 15, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (ICESCR, 1966) như sau: “Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận mọi người đều có quyền:a) Được tham gia vào đời sống văn hoá;b) Được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó;c) Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của mình”.

Lễ hội văn hóa của Nga

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa có liên hệ mật thiết với các quyền con người khác như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội, quyền tự quyết, tự do chọn lựa danh tính cá nhân, quyền tiếp nhận thông tin, quyền học tập và quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ.[2]

Hiện tại trên thế giới vẫn chưa có định nghĩa thống nhất về các quyền văn hóa. Hiểu theo nghĩa rộng, quyền văn hóa là các quyền con người liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Mục tiêu của các quyền này là nhằm đảm bảo rằng các cá nhân, nhóm và cộng đồng có thể tiếp cận những khía cạnh của đời sống văn hóa và nghệ thuật theo lựa chọn của họ cũng như hưởng thụ các quyền này trong điều kiện bình đẳng, được tôn trọng về nhân phẩm và không phân biệt đối xử.[3]

Quyền tham gia vào đời sống văn hóa, với tư cách là tự do cơ bản của con người, cần được nhìn nhận theo các khía cạnh sau đây:

Về chủ thể quyền, mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống văn hóa. Như vậy, chủ thể của quyền tham gia vào đời sống văn hóa là tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại, không có bất cứ sự phân biệt nào dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, độ tuổi, tôn giáo…Cụ thể hơn, chủ thể quyền là mọi cá nhân hoặc nhóm. Nói cách khác, chủ thể thụ hưởng quyền có thể là một cá nhân riêng lẻ; một cá nhân nằm trong mối liên hệ với các cá nhân khác hoặc cá nhân trong một cộng đồng hoặc nhóm nhất định.[4] Nguyên tắc không phân biệt đối xử trong việc thụ hưởng quyền tham gia vào đời sống văn hóa còn được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, theo đó mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, xuất xứ quốc gia hay dân tộc, đều được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa.[5]

Việc bảo đảm quyền tham gia và đời sống văn hóa, cũng như các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội khác, được coi là đáp ứng nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử khi thỏa mãn các yếu tố sau đây:

Tính sẵn có, thể hiện ở sự tồn tại của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa được cung cấp cho tất cả mọi người, bao gồm thư viện, bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động thể thao, các loại hình văn học, dân ca và các loại hình nghệ thuật, các không gian công cộng cần thiết cho sự tương tác văn hóa như công viên, quảng trường, đại lộ, đường phố; tài nguyên thiên nhiên như biển, hồ, sông, núi, rừng, khu bảo tồn thiên nhiên; những yếu tố khác đặc trưng cho đặc tính và sự đa dạng sinh học riêng, những sản phẩm văn hóa phi vật thể tạo nên tính riêng biệt và đóng góp vào sự đa dạng văn hóa của cá nhân và cộng đồng. [6]

Tính có thể tiếp cận được, thể hiện khả năng các cá nhân và cộng đồng có thể thưởng thức văn hóa một cách trọn vẹn và hữu hiệu, trong khả năng tài chính và sức khỏe của người dân ở khu vực thành thị lẫn nông thôn mà không có sự phân biệt, trong đó có cả các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo. Khả năng tiếp cận cũng bao gồm quyền của tất cả mọi người trong việc tìm kiếm, nhận và chia sẻ thông tin về mọi mặt của văn hóa bằng ngôn ngữ theo lựa chọn của người đó, và tiếp cận của cộng đồng đối với những phương tiện truyền thông.[7]

Tính có thể chấp nhận được, thể hiện ở việc ghi nhận và thực thi quyền văn hóa theo cách mà từng cá nhân và cộng đồng có thể tham gia, thông qua các biện pháp như ban hành luật, chính sách, chiến lược, các chương trình, biện pháp quốc gia….[8]

Tính thích ứng, thể hiện thông qua tính linh hoạt và sự tương thích của những chiến lược, chính sách và những biện pháp được các quốc gia thực hiện trong mọi lĩnh vực nào của đời sống văn hóa, có tính đến sự đa dạng văn hóa của cá nhân và cộng đồng.[9]

Tính phù hợp, thể hiện ở việc ghi nhận và thực thi các quyền con người cụ thể theo hướng phù hợp với điều kiện văn hóa sẵn có, trên cơ sở tôn trọng các quyền văn hóa của cá nhân và cộng đồng bao gồm dân tộc thiểu số và người dân tộc được tôn trọng.[10]

Liên quan đến khía cạnh “đời sống văn hóa” (“cultural life”), có rất nhiều quan điểm khác nhau về thuật ngữ này. Bản thân khái niệm “văn hóa” cũng là một khái niệm phức tạp và đa diện. Đến nay có khoảng hơn 200 định nghĩa khác nhau về khái niệm “văn hóa”. UNESCO từng định nghĩa “văn hóa” như sau: “văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Hơn nữa, vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. [11] Tuy nhiên có thể thấy rằng cách định nghĩa trên chỉ tiếp cận khái niệm “văn hóa” trên phương diện là sản phẩm của một cộng đồng xã hội hay dân tộc. Trong một văn kiện khác, UNESCO  định nghĩa khái niệm “văn hóa” là “theo nghĩa chính yếu nhất, một hiện tượng xã hội có được từ việc các cá nhân tham gia và hợp tác vào hoạt động sáng tạo và không chỉ giới hạn ở việc tiếp cận những sản phẩm văn hóa và nhân quyền, mà còn đồng thời là việc thu thập kiến thức, như cầu tổ chức cuộc sống theo một cách nào đó và nhu cầu giao tiếp”. [12] Cách tiếp cận này lại nhấn mạnh đến nguồn gốc của văn hóa, đó là sản phẩm hình thành thông qua các hoạt động của con người, dưới nhiều cấp độ và hình thức. Ngay cả trong các văn kiện pháp lý, khái niệm văn hóa không phải lúc nào cũng đồng nhất. Tuy nhiên, dù được hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp thì văn hóa đều được xem là sáng tạo của con người, do vậy, con người, với tư cách là các chủ thể sáng tạo, có quyền tiếp cận một cách một cách bình đẳng với những sáng tạo đó. Tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa chính là tiền đề để phát triển con người.[13]

Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc, văn hóa là một khái niệm rộng, bao quát tất cả các biểu hiện về sự tồn tại của con người, trong đó “đời sống văn hóa” là các yếu tố phát sinh trong quá trình sống, quá trình lịch sử và phát triển trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.[14] Theo cách tiếp cận này, đời sống văn hóa bao gồm tổng thể phương thức sinh sống, ngôn ngữ, văn nói và viết, âm nhạc và bài hát, các giao tiếp phi ngôn ngữ, hệ thống tôn giáo và tín ngưỡng, tập quán và cách thức kỉ niệm, thể thao và trò chơi, cách thức sản xuất hoặc kỹ thuật, môi trường tự nhiên và có bàn tay con người, lương thực, quần áo và nghệ thuật, tập quán và truyền thống mà thông qua đó, từng cá nhân hoặc nhóm cá nhân và cộng đồng thể hiện tính nhân văn và ý nghĩa của sự tồn tại của họ và xây dựng nên nhân sinh quan thể hiện thái độ của họ với những nguồn lực bên ngoài ảnh hưởng đến đời sống của họ. Văn hóa định hình và thể hiện các giá trị của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của cá nhân, nhóm và các cộng đồng.[15]

Liên quan đến thuật ngữ “tham gia vào đời sống văn hóa”, cần hiểu ở các khía cạnh: tham gia, tiếp cận, và đóng góp vào đời sống văn hóa. Trong đó, tham gia vào đời sống văn hoá (participation to cultural life) là quyền của mọi người, với danh nghĩa cá thể hoặc thành viên của một nhóm nhất định được tự do lựa chọn những đặc tính riêng của họ, lựa chọn họ thuộc về hay không thuộc về một nhóm hay cộng đồng nào, cũng như thay đổi lựa chọn của họ; tham gia vào đời sống chính trị xã hội; thể hiện bản sắc cá nhân. Tham gia vào đời sống văn hóa cũng đồng nghĩa với việc mọi cá nhân có quyền tìm kiếm và phát triển những hiểu biết về văn hóa và chia sẻ với những cá nhân khác, cũng như sáng tạo hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo giá trị văn hóa.[16]

Tiếp cận đời sống văn hóa (access to cultural life) là quyền của mọi người, với danh nghĩa cá thể hoặc thành viên của một nhóm nhất định, được hiểu biết về đời sống văn hóa theo lựa chọn của mình cũng như của người khác thông qua giáo dục và các nguồn thông tin khác nhau, quyền được nhận sự giáo dục có chất lượng và phù hợp với văn hóa. Mọi người có quyền tìm hiểu về những hình thức thể hiện và phổ biến thông qua các phương tiện thông tin hoặc truyền thông kỹ thuật, quyền lựa chọn lối sống gắn liền với việc sử dụng các hàng hóa và tài nguyên văn hóa như đất, nước, đa dạng sinh học, ngôn ngữ hoặc các thể chế cụ thể, và hưởng lợi từ các di sản văn hóa và sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng khác.[17]

Đóng góp vào đời sống văn hóa (contribution to cultural life) là quyền của tất cả mọi người tham gia vào hoạt động sáng tạo ra cách thức biểu đạt về tinh thần, vật chất, trí tuệ của cộng đồng. Quyền này có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tham gia vào sự phát triển của cộng đồng mà cá nhân là thành viên, trong đó bao gồm tham gia vào việc xác định, thực thi chính sách và những quyết định có ảnh hưởng đến việc thực thi quyền tham gia vào đời sống văn hóa của cá nhân.[18]

Cũng như nhiều quyền kinh tế, văn hóa, xã hội khác, quyền tham gia vào đời sống văn hóa không phải là quyền tuyệt đối, do vậy có thể bị giới hạn, hạn chế theo pháp luật. Các quốc gia có thể đặt ra những giới hạn nhất định bằng các quy định pháp luật đối với quyền này, tuy nhiên những giới hạn đó không trái với bản chất của quyền và hoàn toàn phải vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.[19]

Liên quan đến khía cạnh thực thi quyền, cũng như các quyền con người khác, quốc gia là chủ thể chính có nghĩa vụ trong việc đảm bảo quyền tham gia vào đời sống văn hóa. Các quốc gia, bằng mọi biện pháp và tối đa nguồn lực sẵn có, cần thực hiện ngay hoặc thực hiện dần dần theo nguyên tắc liên tục tiến bộ những nghĩa vụ sau: [20]

Nghĩa vụ tôn trọng: nhà nước phải tôn trọng, không can thiệp một cách tùy tiện, trực tiếp hay gián tiếp, vào việc thụ hưởng quyền tham gia vào đời sống văn hóa của chủ thể quyền. Cụ thể, nhà nước phải tôn trọng các quyền của cá nhân, nhóm trong việc tự do lựa chọn bản sắc văn hóa riêng của họ, để thuộc về hay không thuộc về một cộng đồng, và để sự lựa chọn của họ được tôn trọng; hưởng các quyền tự do ý kiến, tự do ngôn luận bằng ngôn ngữ hoặc những ngôn ngữ do họ lựa chọn, và quyền tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin và ý tưởng về mọi thể loại và hình thức bao gồm các hình thức nghệ thuật; hưởng các quyền tự do sáng tạo, theo cá nhân, kết hợp với những người khác, hay trong một cộng đồng hoặc nhóm người, trong đó bao hàm việc các quốc gia phải hạn chế việc kiểm duyệt các hoạt động văn hóa trong nghệ thuật và các hình thức biểu đạt khác nếu có; tiếp cận các di sản văn hóa và ngôn ngữ của chính họ và của những người khác; tự do tham gia một cách tích cực mà không có phân biệt đối xử nào vào bất kỳ quá trình ra quyết định quan trọng nào mà có thể có tác động lên quyền tham gia vào đời sống văn hóa của chủ thể quyền. Đối với nhóm dân tộc thiểu số, quốc gia cần phải tôn trọng quyền của nhóm này trong việc tự do tiếp cận văn hóa, di sản, và các hình thức biểu đạt khác của riêng họ, tự do thực hành bản sắc văn hóa và tập quán cũng như truyền bá văn hóa của họ. Cần lưu ý rằng, việc áp những biện pháp giới hạn quyền theo ICESCR không vi phạm việc thực thi nghĩa vụ tôn trọng, vì các biện pháp này không trái với bản chất của quyền và nhằm mục tiêu chung vì một xã hội dân chủ.

Nghĩa vụ bảo vệ đối với quyền tham gia vào đời sống văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nghĩa vụ tôn trọng quyền này. Cụ thể, các quốc gia có nghĩa vụ: tôn trọng và bảo vệ mọi hình thức di sản văn hóa, trong cả thời gian chiến tranh lẫn hòa bình, và khi có thiên tai, bao gồm việc chăm sóc, bảo tồn và phục hồi di tích lịch sử văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật, văn học. Trong số nhiều thành phần khác, các quốc gia phải tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa của tất cả các nhóm và cộng đồng, đặc biệt là cá nhân và nhóm có hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi nhất thông qua việc ban hành các chính sách và chương trình phát triển kinh tế và môi trường, màcó tính tới những hậu quả ngoài mong muốn của quá trình toàn cầu hoá, tư nhân hóa không công bằng của hàng hoá và dịch vụ. Các quốc gia phải tôn trọng và bảo vệ các sản phẩm văn hóa của người dân bản địa, bao gồm tri thức truyền thống, thuốc thiên nhiên, văn hóa dân gian, nghi lễ và các hình thức biểu đạt văn hóa của họ, bao gồm việc bảo vệ (các dân tộc bản địa) khỏi việc khai thác một cách bất hợp pháp hoặc bất công tài nguyên, đất đai hoặc lãnh địa của họ do các cơ quan nhà nước hoặc các công ty tư nhân hay công ty xuyên quốc gia hay các tập đoàn tiến hành. Các quốc gia cũng phải ban hành và thực thi các quy định pháp luật nhằm cấm phân biệt đối xử dựa trên bản sắc văn hóa cũng như phải tuyên truyền vận động để ngăn ngừa sự thù hận, phân biệt về chủng tộc hoặc tôn giáo, đặc biệt là hành vi kích động phân biệt đối xử, sự thù địch hoặc bạo lực.[21]

Nghĩa vụ thực hiện quyền tham gia vào đời sống văn hóa của các quốc gia bao gồm nghĩa vụ tạo điều kiện, thúc đẩy và cung cấp.[22] Nghĩa vụ tạo điều kiện đòi hỏi các quốc gia cần chủ động, tích cực ban hành những biện pháp góp phần nâng cao nhận thức về quyền tham gia vào đời sống văn hóa. Những biện pháp được khuyến khích bao gồm: ban hành các chính sách bảo vệ và thúc đẩy đa dạng văn hóa, tạo điều kiện cho việc tiếp cận các biểu đạt văn hóa đa dạng, bao gồm các biện pháp nhằm xây dựng và hỗ trợ các cơ sở cộng đồng và hạ tầng văn hóa cần thiết cho việc thực thi các chính sách trên; các biện pháp nhằm củng cố tính đa dạng thông qua việc quảng bá trong khu vực và sử dụng ngôn ngữ thiểu số; ban hành chính sách cho phép những người thuộc các cộng đồng văn hóa khác nhau được tự do tham gia vào các hoạt động văn hóa của bản thân và người khác, và được tự do lựa chọn phong cách sống mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào; thúc đẩy việc thực hiện quyền của nhóm người đối với văn hóa và ngôn ngữ thiểu số đối với sự phát triển của quyền văn hóa và ngôn ngữ của họ; đảm bảo những sự hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về tài chính, đối với các tổ chức nghệ thuật công hoặc tư, bao gồm nghiên cứu khoa học hàn lâm, hiệp hội văn hóa, công đoàn và các cơ sở hoặc cá nhân khác tham gia và hoạt động khoa học và sáng tạo; tiến hành các biện pháp hợp lý nhằm hỗ trợ các dân tộc thiểu số và những cộng đồng khác, bao gồm cả cộng đồng người nhập cư, trong những nỗ lực gìn giữ văn hóa của họ; tiến hành những biện pháp thích hợp để điều chỉnh các dạng phân biệt đối xử nhằm đảm bảo rằng khả năng thể hiện chưa đầy đủ của một người từ một nhóm người nào đó trong đời sống cộng đồng không có tác động tiêu cực đến quyền của họ trong việc tham gia đời sống văn hóa; tạo điều kiện cho việc xây dựng các mối quan hệ văn hóa giữa cá nhân và nhóm người dựa trên việc tôn trọng, hiểu biết và thông cảm lẫn nhau; thuyết phục cộng đồng thông qua các phương tiện đại chúng, các cơ sở giáo dục và các kênh phù hợp khác, với mục tiêu giảm thiểu bất kỳ hình thức định kiến nào đối với các cá nhân hoặc cộng đồng thông qua đặc trưng văn hóa của họ.[23] Nghĩa vụ thúc đẩy thể hiện thông qua việc các quốc gia đảm bảo xây dựng hệ thống giáo dục thích hợp và nâng cao nhận thức cộng đồng liên quan đến quyền tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương.[24] Nghĩa vụ cung cấp được thể hiện qua việc ban hành hệ thống pháp luật tương thích và xây dựng cơ chế hiệu quả cho phép mọi người, với tư cách cá nhân hoặc cùng cộng đồng, tham gia hiệu quả vào quá trình ra quyết định, hoặc bảo vệ được các quyền tham gia vào đời sống văn hóa của họ, cũng như cung cấp phương thức bồi thường thiệt hại theo pháp luật; xây dựng chương trình nhằm bảo tồn và tái tạo di sản văn hóa; cung cấp chương trình giảng dạy văn hóa vào các cấp trong trường học, bao gồm lịch sử, văn học, âm nhạc và lịch sử các nền văn hóa khác; cung cấp cơ sở vật chất nhằm đảm bảo việc tiếp cận cho tất cả mọi người, mà không có sự phân biệt đối xử nào vì lí do tài chính hoặc các vị thế khác, đối với bảo tàng, thư viện, rạp phim và nhà hát và các hoạt động, dịch vụ và sự kiện văn hóa khác.[25]

Bên cạnh việc được ghi nhận tại Điều 15 ICESCR, quyền tham gia vào đời sống văn hóa còn được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương nhằm mục đích giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội có thể thụ hưởng quyền này một cách bình đẳng, cụ thể:[26]

Theo Công ước về quyền trẻ em (CRC 1989), trẻ em có quyền được tôn trọng bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị của bản thân trẻ em, tôn trọng những giá trị quốc gia của đất nước mà trẻ em đang sống và của đất nước là nguyên quán của trẻ em, tôn trọng những nền văn minh khác với nền văn minh của nơi mà trẻ em sinh ra;[27] quyền không bị khước từ quyền được hưởng nền văn hóa của mình, được bày tỏ, thực hành tôn giáo của mình và sử dụng ngôn ngữ của mình khi sinh hoạt trong cộng đồng với các thành viên khác của nhóm của trẻ em thuộc một nhóm thiểu số đó hoặc trẻ em bản địa;[28] được tham gia đầy đủ vào sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật, quyền được tạo cơ hội bình đẳng, thích hợp trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí và nghỉ ngơi.[29]

Theo Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người lao động di trú và gia đình họ (1990), người lao động di trú và các thành viên gia đình họ có quyền được tôn trọng bản sắc văn hóa cũng như tự do duy trì cầu nối văn hóa với nước xuất xứ của họ; [30] quyền được đối xử bình đẳng như công dân của quốc gia nơi có việc làm liên quan đến việc tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa.[31] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người lao động di trú và các thành viên gia đình họ không được giảm nhẹ trong việc thực hiện nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật của bất kỳ quốc gia quá cảnh và của quốc gia nơi có việc làm liên quan; hay nghĩa vụ liên quan đến bản sắc văn hóa của cư dân các quốc gia đó vì bất cứ lý do gì, trong đó có việc thực hiện các quyền văn hóa.[32]

Theo Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW, 1979), các quốc gia cần thực hiện các biện pháp nhằm xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong những lĩnh vực khác của đời sống kinh tế và xã hội, nhằm đảm bảo cho họ những quyền bình đẳng với nam giới, trong đó có quyền được tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và vào tất cả các khía cạnh của đời sống văn hóa.[33]

Theo Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD, 2007) người khuyết tật có quyền tham gia vào đời sống văn hóa trên cơ sở bình đẳng với những người khác, cụ thể bình đẳng trong việc tiếp cận văn hóa phẩm dưới dạng dễ tiếp cận; tiếp cận chương trình truyền hình, phim, nhà hát và các hoạt động văn hóa khác; tiếp cận những nơi có các dịch vụ văn hóa hoặc trình diễn văn hóa, như trong rạp hát, viện bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện và dịch vụ du lịch, và ở mức độ có thể, được tiếp cận các công trình hoặc địa điểm văn hóa quốc gia quan trọng.[34]

PGS. TS Vũ Công Giao

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

[1] Khoản 1, Điều 27 UDHR 1948

[2] Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 – Mục tiêu chung của nhân loại, NXB Lao Động – Xã Hội, 2010, tr 597.

[3] Xem thêm tại: https://culturalrights.net/en/principal.php?c=1

[4] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No. 17 (2005) – The right of everyone to benefit from the protection of the moral and material interests resulting from any scientific, literary or artistic production of which he or she is the author (article 15, paragraph 1 (c), of the Covenant)

[5] Điều 5 Công ước quốc tế  về  xóa bỏ  mọi hình thức phân biệt chủng tộc

[6] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), Right of everyone to take part in cultural life (art. 15, para. 1 (a), of the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights), đoạn 16 (a)

[7] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 16 (b)

[8] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 16 (c)

[9] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 16 (d)

[10] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 16 (e)

[11] UNESCO, Bản tuyên bố về những chính sách văn hóa tại Hội nghị quốc tế UNESCO từ ngày 26/07 đến 06/08/1982 tại Mexico

[12] UNESCO,  Khuyến nghị Nairobi về việc tham gia của người dân vào đời sống văn hóa và cống hiến của họ cho văn hóa, 1976, đoạn mở đầu thứ 5 (a) và (c).

[13] Gudmundur Alfredsson & Asbjørn Eide, tài liệu đã dẫn, 2010, tr 598.

[14] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009),tài liệu đã dẫn, đoạn 11.

[15] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 13.

[16] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 15 (a).

[17] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 15 (b).

[18] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 15 (c).

[19] Điều 4 ICESCR

[20] Nghiêm Kim Hoa, Vũ Công Giao, Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, 1966) , NXB Hồng Đức, 2012, tr.182 – 193.

[21] Điều 19, 20 ICCPR, Điều 4 Công ước quốc tế về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

[22] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 51.

[23] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn  52.

[24] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn  53.

[25] UN – Economic and Social Council, GENERAL COMMENT No.21 (2009), tài liệu đã dẫn, đoạn 54.

[26] Xem http://www.claiminghumanrights.org/cultural_life_definition.html

[27] Điều 29.1.c  Công ước về quyền trẻ em

[28] Điều 30 Công ước về quyền trẻ em

[29] Điều 31 Công ước về quyền trẻ em

[30] Điều 31.1 Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người lao động di trú và gia đình họ

[31] Điều 43.1.g & 45.1.d  Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người lao động di trú và gia đình họ

[32] Điều 34 Công ước quốc tế bảo vệ quyền của người lao động di trú và gia đình họ

[33] Điều 13 Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ

[34] Điều 30 Công ước về quyền của người khuyết tật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *