Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19354

Quyền làm chủ của nhân dân -nền tảng phát huy tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo để phát triển đất nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”

Phát huy quyền và trách nhiệm của nhân dân

Trạng thái “bình thường mới” của quá trình phát huy dân chủ XHCN là trạng thái người dân sinh sống, hoạt động, ứng xử với cách thức hoạt động, sinh hoạt, giao tiếp xã hội chủ động, tích cực phòng, tránh đại dịch COVID-19 với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0

Trạng thái bình thường mới hiện nay được đặc trưng ở việc thực hiện mục tiêu kép: Phòng, chống tốt đại dịch COVID-19 đồng thời phát huy nội lực, phối hợp tích cực với các đối tác quốc tế nhằm nhanh chóng phục hồi, ổn định, phát triển bền vững nền kinh tế – xã hội. Do đó, việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước” càng cần được phát huy sáng tạo, bảo đảm người dân tích cực tham gia thực hành dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Người dân thực hiện các quyền bầu cử của mình

Trong quá trình kiểm soát sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…, gần đây là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và nhiều địa phương khác trên cả nước, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền, cần coi trọng việc phát huy tính tích cực chính trị – xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong vai trò “mỗi người dân là chiến sĩ” để chủ động tham gia xây dựng xã, phường thành “pháo đài” phòng, chống đại dịch. Thực tế cho thấy, việc phát huy dân chủ XHCN đã tạo được cơ chế giải phóng, phát huy các tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phòng, chống đại dịch, nhất là trong việc huy động các nguồn lực tình nguyện hỗ trợ người bị mắc COVID-19 tại địa phương và các tỉnh, thành khác.

Sự phát triển của hệ thống chính trị XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát huy dân chủ XHCN. Kết quả chung là đã mở ra không gian rộng lớn hơn cho việc phát huy các quyền làm chủ của người dân cũng như nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp xã trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế – xã hội.

Sự đa dạng trong phương pháp và công cụ phát huy dân chủ, cả dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, như được thể hiện cụ thể trong tổ chức và chủ động hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, nhất là người đứng đầu ở cấp xã và khu phố, thôn, ấp, nó đã trở thành phương pháp làm việc, thái độ ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt trong ngành y tế và những người tình nguyện với nhân dân cũng như của nhân dân đối với họ trong kiểm soát dịch bệnh. Qua đó cho thấy, việc phát huy dân chủ XHCN ngày càng trở nên thực chất hơn trong nội dung và hình thức thực hiện. Việc phát huy dân chủ XHCN đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hạn chế và không để nảy sinh hiện tượng phân hóa, bất đồng trong nhân dân, ví dụ trong việc chữa trị người bệnh và tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ.

Bên cạnh những thuận lợi, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Một trong những nguyên nhân là chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân…; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Những tồn tại này đã được chỉ rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Triển khai các quyền trong trạng thái “bình thường mới”

Trong  trạng thái bình thường mới, mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của nhân dân, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội “xây dựng pháp luật từ sớm, từ xa”. Cụ thể: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia thực hành dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân.

Củng cố cơ sở pháp lý về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về các quyền dân sự và kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng kịp thời yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế. Từ đó tạo cơ sở pháp luật để mọi công dân thực hành dân chủ XHCN và quyền làm chủ của mình, nhất là trong việc huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và góp phần làm giàu cho đất nước.

Hai là, tạo động cơ khuyến khích cho việc tham gia thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Hiện nay, đã có giấy chứng nhận về việc xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, nhưng chưa có một hình thức khen thưởng (hay xử phạt) cho việc thực hiện tốt (hoặc không tốt) Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007) và các nghị định về qui chế dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương châm lớn hơn, toàn diện hơn cho Pháp lệnh nêu trên gồm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cán bộ, đảng viên, nhân dân bước đầu đã phân biệt những mức độ tham gia khác nhau của người dân vào thực hành, phát huy dân chủ XHCN. Cụ thể: “Dân biết” là những loại thông tin bắt buộc phải phổ biến cho người dân, nhất là về đất đai và ngân sách; “Dân bàn” để chính quyền địa phương quyết định (việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, đền bù quyền sử dụng đất… ) hoặc dân trực tiếp quyết định mà không cần có sự tham gia của cấp chính quyền cao hơn (mức đóng góp tài chính ở địa phương, việc xây dựng, thực hiện hương ước, luật tục…); “Dân kiểm tra” là xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm các công việc của chính quyền địa phương, gửi đơn thư khiếu nại, giám sát chi tiêu ngân sách và xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương,…; “Dân giám sát” là quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của chính quyền nhằm kịp thời tác động để thực hiện tốt hơn; “Dân thụ hưởng” là trực tiếp thụ hưởng các kết quả tham gia vào quá trình thực hiện, phát huy dân chủ XHCN. Với phương châm rộng lớn như vậy, thời gian tới, Quốc hội cần tăng cường khuôn khổ pháp lý của Pháp lệnh này theo hướng nâng lên thành luật cũng như hoàn thiện các nghị định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp.

  Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể thức bầu cử dân chủ. Vấn đề nổi cộm nhất ở Việt Nam hiện nay là tình trạng “bỏ phiếu đại diện”. Theo đó, người đứng đầu hoặc đại diện của một hộ bỏ phiếu cho tất cả mọi người trong gia đình. Mặc dù luật pháp Việt Nam không cho phép bỏ phiếu đại diện, nhưng hiện tượng này khá phổ biến, có thể tác động tiêu cực đến quyền công dân của phụ nữ và thanh niên, nếu họ không có cơ hội thảo luận lá phiếu của mình với người bỏ phiếu thay cho gia đình. Chính vì những quan ngại này mà Trung Quốc hiện không còn cho phép bỏ phiếu đại diện. Ở nước ta cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể thức bầu cử dân chủ theo hướng không chạy theo thành tích để hạn chế tối đa hoặc xóa được “bỏ phiếu đại diện”.

Bốn là, mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu Quốc hội. Những năm gần đây, đã thực hiện thí điểm những hình thức vận động cử tri ở một số tỉnh. Thí dụ, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh in phiếu để lấy ý kiến cử tri trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Ý kiến cử tri được thu thập và báo cáo lại với cử tri trong các cuộc họp định kỳ với cử tri ở cấp tỉnh. Ngoài các cuộc họp với cử tri, mỗi HĐND tỉnh còn có hộp thư khiếu nại. Đồng thời thực hiện việc tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách Quốc hội và HĐND cấp tỉnh để giám sát ở cơ sở. Vấn đề đặt ra là cần đào tạo để đại biểu chuyên trách hoạt động chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, báo chí. Có cơ chế giám sát rõ ràng sẽ không dẫn tới lạm quyền. Khuyến khích tạo thêm các kênh tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố thông qua các đường dây nóng hoặc các biện pháp khác nhằm tăng cường sự tham gia và lòng tin của người dân.

       Năm là, tăng cường năng lực đáp ứng của chính quyền các cấp và doanh nghiệp trong quá trình phát huy dân chủ XHCN nhằm thực hiện dân chủ trực tiếp đồng bộ ở cấp xã và ở cả cơ quan, doanh nghiệp.

        Hiện vẫn tồn tại vấn đề cải thiện dân chủ trực tiếp chỉ là chức trách của chính quyền cấp thấp nhất (cấp xã), còn các cơ quan, doanh nghiệp hầu như không liên quan. Trên thực tế, một số cơ quan và doanh nghiệp nhà nước chưa quan tâm thích đáng đến thực hiện Nghị định thực hiện dân chủ cơ sở. Đây là điều rất đáng tiếc, vì nhiều lĩnh vực chính sách sẽ thu được lợi ích nếu các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của các nghị định này để có thêm sự tham gia của người dân thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các nghị định đó. Do đó, cần thực hiện dân chủ trực tiếp một cách đồng bộ ở cấp xã và ở cả cơ quan, doanh nghiệp.

Sáu là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền trong hoạt động tư pháp. Qua đó thực hiện công khai, minh bạch nghĩa vụ bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân như đã được xác định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” và đấu tranh có hiệu quả với mọi loại tội phạm, vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội và an ninh quốc gia.

Bảy là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh và chủ động, tích cực đối thoại về dân chủ, nhân quyền. Trong đó, đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện pháp luật về bảo đảm dân chủ, nhân quyền gắn với nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, phải tăng cường thực hiện phương thức trong đối thoại, hợp tác có đấu tranh để vừa nâng cao hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng về vấn đề dân chủ, nhân quyền, đồng thời đấu tranh chống hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ nước ta, kiên trì nguyên tắc lợi ích quốc gia là trên hết, trước hết.■

PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *