Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24966

Quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm

Quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định cần tôn trọng, bảo vệ các quyền cơ bản của phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị giam giữ. 

Luật Thi hành án Hình sự cũng nêu nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án (Điều 4). Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành:

– Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 quy định một số điểm mới về tổ chức quản lý phạm nhân và bảo đảm chế độ của phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam;

– Thông tư liên Bộ số 4/2010/TTLT-BTC-BCA-BQP ngày 12/01/2010 quy định chi tiết về chế độ lao động và quyền lợi của phạm nhân đối với kết quả lao động của họ;

– Nghị định số 09/2011/NĐ-CP ngày 25/1/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 về chế độ ăn và khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam;

– Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù,  giúp đỡ, tạo điều kiện để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm
Quyền của người bị giam giữ được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm

Các quy định trên được triển khai nghiêm túc tại các trại giam, trại tạm giam, góp phần cải thiện đáng kể việc bảo đảm các chế độ về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe và y tế cho các phạm nhân; đồng thời các điều kiện vật chất cũng từng bước được nâng cao để đáp ứng các nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa của phạm nhân trong thời gian chấp hành án. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các trại giam đã điều trị tại bệnh xá cho 17.391 phạm nhân, điều trị tại bệnh viện cho 1.168 phạm nhân.

Các trại giam tổ chức cho người bị giam giữ học tập nội quy, quy định của pháp luật, học văn hóa, giáo dục công dân, hướng nghiệp, đào tạo nghề, hướng dẫn chấp hành pháp luật và giáo dục hướng thiện.

Các đợt giáo dục được tổ chức tập trung, kết hợp với giáo dục riêng và thông báo đến gia đình phạm nhân về kết quả chấp hành án phạt tù của thân nhân họ nhằm phối hợp động viên, giáo dục cảm hoá để họ nhận rõ tội lỗi, sớm hoàn lương trở về với cộng đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các trại giam đã tổ chức 407 lớp học về thời sự, chính trị cho 202.204 lượt phạm nhân, 1.340 lớp về giáo dục pháp luật, nội quy trại giam cho 202.204 lượt phạm nhân; 103 lớp về phòng chống ma túy, HIV/AIDS cho 35.090 lượt phạm nhân, 123 lớp xóa mù chữ cho 2.666 lượt phạm nhân và các lớp học về giáo dục công dân (468 lớp cho 13.029 lượt phạm nhân mới đến nhập trại, 293 lớp cho 33.029 lượt phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 221 lớp cho 12.604 lượt phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù).

Bên cạnh đó, 44/49 trại giam đã thành lập Trung tâm dạy nghề và các trại giam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, tổ chức đào tạo dạy nghề cho 18.424 lượt phạm nhân.

Thời gian lao động của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của Luật Lao động; thời gian học tập được trừ vào thời gian lao động. Buồng giam được bảo đảm có đủ ánh sáng và vệ sinh môi trường. Người bị giam giữ có quyền gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa theo quy định; được tiếp cận thông tin qua hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình trong nhà giam giữ; có quyền khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật và quyền của người bị giam, tạm giữ, tạm giam.

Về việc phòng chống, ngăn chặn các hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình và các hành vi lạm quyền khác của cán bộ có thẩm quyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hiến pháp năm 2013 (Điều 20, khoản 1) nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tất cả mọi người. Các hành vi vi phạm sẽ bị điều tra và xử lý thích đáng theo quy định tại các Điều 157, 373 và 374 Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Đặc xá là chủ trương lớn, thể hiện truyền thống và chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam đối với những người phạm tội biết ăn năn, hối cải. Công tác đặc xá được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch với phạm nhân, với các tiêu chuẩn và điều kiện rõ ràng, được nhân dân cả nước và dư luận quốc tế hoan nghênh và ủng hộ.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9/2015, Việt Nam đã tiến hành một đợt đặc xá lớn, tha tù trước thời hạn cho 18.296 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 241 người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án. Trong 6 tháng đầu năm 2015, các trại giam đã giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 57.323 phạm nhân cải tạo tiến bộ.

Về công tác tái hòa nhập cộng đồng, qua tổng kiểm tra khảo sát, từ 2002 – 2012, 82,26% số người chấp hành xong án phạt tù có việc làm.

Ngày 25/11/2015, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ. Luật gồm 11 chương, 73 điều quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu dân ý theo Luật trưng cầu ý dân; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu; gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự; được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự do bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật.

Luật cấm các hành vi tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi (thông qua 27/11/2015) có những nội dung mới quan trọng, theo đó người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (Điều 58, 59, 60, 61); được bảo đảm thực hiện tốt quyền bào chữa; đồng thời quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam, rút ngắn thời gian tạm giam…

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *