Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24969

Kiều bào với Trường Sa Kỳ 2: Hiểu hơn về sự thật

“Trước chuyến thăm Trường Sa năm 2012, ngoài sự hào hứng, hồi hộp, tôi còn có chút hoài nghi, do dự. Sau chuyến đi đó, sự hoài nghi trên đã biến mất, thay vào đó là niềm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn, Việt kiều Mỹ chia sẻ.

Đoàn Việt Kiều thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2019

Kể thêm về các chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 của các đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân cho hay, Trường Sa hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm năm 2012 khi đoàn kiều bào đầu tiên ghé thăm. Đóng góp của bà con kiều bào đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần phản bác những luận điệu thiếu chính xác về tình hình biển đảo quê hương. Ông David Nguyễn, kiều bào tại Mỹ tâm sự, nhờ chuyến đi năm 2014, ông được trải nghiệm và lưu trữ được nhiều tài liệu, ảnh chụp quý giá. Từ một người chống đối, bản thân ông đã thay đổi hoàn toàn, tham dự nhiều cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo dựa trên sự thật mắt thấy tai nghe. “Chuyến đi này đánh dấu khúc chuyển trong cuộc đời hoạt động của tôi, để tôi hiểu hơn về sự thật”, ông David Nguyễn nhấn mạnh.

Còn dưới góc nhìn của một nhà báo, ông Etcetera Nguyễn, kiều bào tại Mỹ, các chuyến đi thăm Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì rằng, không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Ông Etcetera Nguyễn kể, tại cộng đồng nơi ông sinh sống có nhiều ý kiến trái chiều, tương đối khắc nghiệt và tiêu cực về Việt Nam nên ông rất đau đáu muốn tìm hiểu sự thật. Từng là Tổng thư ký tờ Việt Weekly, một tờ báo nói về cộng đồng người Việt ở Mỹ và nay là Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today, nên sau các chuyến thăm Trường Sa, ông Etcetera Nguyễn và những đồng nghiệp của mình đã thực hiện một loạt bài báo, ảnh triển lãm về Trường Sa, khiến cộng đồng người Việt tại hải ngoại thay đổi cái nhìn về tình hình biển đảo Tổ quốc cũng như về chính sách biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn chia sẻ.

Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp đã gửi gắm nhiều cảm xúc trong cuốn Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” được NXB Dân trí phát hành tháng 5-2021. Chị Hiệu Constant tâm sự, việc xuất bản sách bắt nguồn từ ý định ban đầu là viết một vài bài báo. Qua cuốn sách này, chị Hiệu Constant hy vọng những ai chưa từng đi Trường Sa cũng hình dung được cuộc sống của quân dân trên đảo, khẳng định kiều bào dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước. “Trường Sa – Một lần là mãi mãi” cho chúng ta gặp một Trường Sa mới, Trường Sa của ngày hôm nay. Trên đảo có chùa, có trường học, bệnh xá. Nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh và điện thoại di động. Bất cứ lúc nào, các chiến sĩ cũng có thể gặp được người thân. Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/18… những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa không còn xa cách nữa. “Những ngôi chùa ở Trường Sa – Cột mốc tâm linh” cho ta thấy các công trình được xây dựng trên đảo đang khẳng định rõ Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam”, chị Hiệu Constant viết.

Huyền Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *