Mỗi khi Việt Nam đưa ra xét xử một đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước nào thì ngay lập tức một số tổ chức, cá nhân lại mang danh “bảo vệ nhân quyền” lại xuyên tạc nói xấu, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Phiên tòa xét xử bị cáo Phan Vân Bách không là ngoại lệ. Ngay sau khi phiên tòa này khép lại với bản án 5 năm tù giam đối với bị cáo, một số tổ chức trong đó có tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã ra tuyên bố cho rằng Phan Vân Bách không có tội, việc làm của ông ta chỉ là “hoạt động ôn hòa”. Tổ chức này còn gọi Phan Vân Bách là nạn nhân mới nhất của “chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến” của chính phủ Việt Nam; kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho “nhà vận động dân chủ” Phan Vân Bách. Dư luận trong nước lại một lần nữa bức xúc, phản ứng, cho đây là hành động vô lối, trắng trợn của HRW.
Đối với Phan Vân Bách, hành vi vi phạm pháp luật của y là rất rõ ràng. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, Phan Vân Bách bị truy tố về các tội theo điểm a, b, và c của khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; và gây chiến tranh tâm lý. Trong khoảng thời gian 4 năm (1018-2022), Phan Vân Bách đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên mình đăng tải 12 bài viết cùng 6 video clip có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, nói xấu Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phát tán các hình ảnh cắt ghép bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động quần chúng…
Hành vi vi phạm pháp luật hình sự của Phan Vân Bách rõ ràng, với chứng cứ kết tội, bị xét xử theo đúng trình tự pháp luận bởi một phiên tòa công khai, có luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo thì không thể đội lốt, khoác áo “bất đồng chính kiến” cho bị cáo, rồi vu cáo chính quyền như kiểu HRW được. Ở Việt Nam, mọi công dân ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Người dân Việt Nam được quyền tự do phát biểu ý kiến của mình về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác…
Tất nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam không phải là vô hạn độ mà phải trong khuôn khổ của pháp luật. Mọi ý kiến phát biểu của người dân phải trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ của xã hội. Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hành vi của Phan Vân Bách không phải là “hoạt động ôn hòa” hay “bất đồng chính kiến” một cách bình thường theo quy định của pháp luật mà là hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Hoạt động của Phan Vân Bách đã gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân và gây mất an ninh trật tự… Bản án 5 năm tù dành cho Phan Vân Bách là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Luận điệu của HRW kêu gọi trả tự do cho “nhà vận động dân chủ” Phan Vân Bách là đòi hỏi vô lối, trái luật pháp quốc tế, can thiệp và công việc nội bộ của Việt Nam.