Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10974

Hiệu quả chưa ngang tầm nhiệm vụ

Sự ra đời của Thanh tra nhân dân (TTND) ở Việt Nam xuất phát từ bản chất dân chủ của nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thiết chế xã hội phòng chống tham nhũng

Thanh tra nhân dân (TTND) là một thiết chế xã hội, là hình thức giám sát quan trọng, được thành lập trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước, có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Quyết định số 25/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/01/1976 về việc tổ chức Ban TTND ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp, mục đích tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã và nhân dân trong việc quản lý kinh tế, văn hóa xã hội, trật tự, đời sống. Ngay từ giai đoạn đầu mới được thành lập, TTND được coi là lực lượng góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010 đều quy định TTND được tổ chức dưới hình thức Ban TTND. Ban TTND được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, có nhiệm vụ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban TTND. Kế thừa Nghị định 99/2005/NĐ-CP, phạm vi giám sát của Ban TTND được quy định trong 159/2016/NĐ-CP khá rộng, gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng.

Phạm vi giám sát của Ban TTND ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập gồm: việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước, sử dụng các quỹ, chấp hành chế độ quản lý tài chính; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị;…

Ban TTND ở doanh nghiệp nhà nước có vai trò giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật; việc thực hiện các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; việc thực hiện chính sách, chế độ của nhà nước, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhà nước; sử dụng các loại quỹ tại doanh nghiệp; tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc xử lý vụ việc tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp….

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định Ban TTND tại xã, phường, thị trấn, trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Khoản 1 Điều 88 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005). Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tiếp tục quy định vai trò giám sát của Ban TTND giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (Khoản 2 Điều 77 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Tuy nhiên, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời đã chấm dứt hiệu lực thi hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, không có quy định chi tiết về vai trò, trách nhiệm của Ban TTND trong giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện pháp luật về TTND, các tổ chức TTND đã được thành lập và phát huy được vị trí, vai trò của mình trong giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị,  góp phần ngăn chặn tiêu cực, hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Vai trò còn mờ nhạt, chưa hiệu quả

Tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thì vai trò của Thanh tra Nhân dân còn mờ nhạt, nhất là các Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, người được bầu tham gia các Ban Thanh tra nhân dân đều là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ là giám sát hoạt động của thủ trưởng đơn vị nên hiệu quả giám sát bị hạn chế.

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra nhân dân

Thứ nhất, một số quy định còn bất cập. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tổng kết thi hành Luật Thanh tra và có đề nghị cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, có nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị không nên quy định TTND trong Luật Thanh tra, bởi lẽ TTND chỉ là một trong các phương thức thực hiện quyền giám sát của xã hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2004 và Luật Thanh tra năm 2010 quy định về việc tổ chức các Ban TTND tại xã, phường, thị trấn và tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chí để xác định một số tổ chức, đơn vị bắt buộc phải tổ chức TTND cũng chưa rõ ràng, bởi quy mô cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước cũng rất khác nhau. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, sự chuyển đổi trong nhận thức về mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà nước thời gian qua cũng dẫn đến những vướng mắc trong việc tổ chức TTND.

Riêng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, vai trò giám sát của TTND đối với việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng chưa được quy định rõ ràng.

Thứ hai, hoạt động còn nhiều hạn chế. Thực tiễn cho thấy, hoạt động TTND ở một số địa phương, đơn vị đã có kết quả tích cực. Tại nhiều xã, phường, thị trấn, các Ban TTND đã phát huy vai trò giám sát của mình đối với hoạt động của chính quyền, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thì vai trò của TTND còn mờ nhạt, nhất là các Ban TTND trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ, người được bầu tham gia các Ban TTND đều là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong khi phải thực hiện nhiệm vụ là giám sát hoạt động của thủ trưởng đơn vị nên hiệu quả giám sát bị hạn chế.

Việc hướng dẫn nghiệp vụ làm công tác TTND trong thời gian qua chưa được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước. Nhiều thành viên của các Ban TTND không hiểu rõ chức trách, nhiệm vụ của mình và thiếu kỹ năng nghiệp vụ khi tham gia các Ban TTND.

Kinh phí dành cho hoạt động của các Ban TTND còn hạn chế. Chỉ có các Ban TTND ở xã, phường, thị trấn được bố trí nguồn kinh phí rất ít để hoạt động. Các Ban TTND trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hầu như không được bố trí nguồn kinh phí phù hợp. Vì vậy, người tham gia các Ban TTND không chuyên tâm để thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *