Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29076

Hiện thực hóa Công ước CERD Kỳ 1: Luồng sinh khí mới

 Gia nhập Công ước CERD vào năm 1982, Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc, quy định chính của Công ước, nội luật hóa và hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền phổ biến và đặc thù của dân tộc thiểu số (DTTS) trong quản lý nhà nước và trong các Chương trình phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của quốc gia.

Bảo đảm các quyền con người cơ bản cho đồng bào DTTS

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm quyền cho người DTTS, chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp, các đạo luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DTTS[1]. Trong những năm qua, Đảng và nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH được đầu tư khá đồng bộ; giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn, đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN được nâng lên rõ rệt; kinh tế, xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên, niềm tin của nhân dân nhất là đồng bào DTTS đối với Đảng và nhà nước không ngừng được cùng cố và tăng cường.

Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc nơi đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số

Điểm nhấn có tính lịch sử là Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Đề án tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14) và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14) (sau đây gọi tắt là CTMTQG). Sự kiện này là mốc son đỏ trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của người DTTS trong tình hình mới.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được thể hiện rõ ràng và tập trung trong CTMTQG.

Với quan điểm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS, tăng cường đồng thuận xã hội để hòa nhập, phát triển cùng với đất nước. CTMTQG là chương trình tổng thể, toàn diện mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội, bảo đảm các quyền con người cơ bản cho đồng bào DTTS.

Về phạm vi, CTMTQG thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong vùng đồng bào DTTS&MN[2].

Về đối tượng của CTMTQG tập trung vào xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn ĐBKK. Điều này đã thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta phù hợp với nguyên tắc của Công ước CERD về không phân biệt đối xử đối với người DTTS và người thuộc dân tộc đa số mà đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Các nội dung của CTMTQG đều tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực KTXH phù hợp với cam kết của Việt Nam thực thi các quyền KTXH tại điều 5 và điều 7 Công ước CERD.

Ổn định kinh tế, chính trị vùng phên dậu của đất nước

Để đảm bảo các quyền kinh tế cho người dân vùng DTTS&MN, CTMTQG tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Với các mục tiêu cụ thể về thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đến năm 2025) và bằng ½ bình quân chung của cả nước (đến năm 2030); Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3% (đến năm 2025) và giảm xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới (đến năm 2030); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;… (đến năm 2025); Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân (đến năm 2030);… Với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp đầu tiên tập trung vào phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN trên các lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch, dịch vụ, CTMTQG đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế vùng DTTS&MN một cách bền vững và căn cơ… Việc thực hiện tốt quyền phát triển kinh tế cho người dân vùng DTTS&MN còn tác động tích cực đến việc thực hiện các quyền văn hóa, xã hội, các quyền dân sự chính trị, bảo đảm ổn định vùng phên dậu của đất nước.

[1] Hiện có 05 điều hiến định về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng DTTS&MN, trong 10 năm qua QH đã thông qua 62 luật với 196 điều điều chỉnh các nội dung liên quan đến lĩnh vực DTTS&MN và đầu tư  cho vùng KTXH ĐBKK

[2] Theo QĐ số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I trong vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, hiện nay trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN của 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số người DTTS cao nhất (khoảng 6,7 triệu người), khu vực Tây Nguyên (khoảng 2 triệu người), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1,9 triệu người), khu vực Tây Nam Bộ (1,4 triệu người), dân số còn lại sinh sống rải rác ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trần Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *