Độc, lạ nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong
Sau cơn mưa tháng sáu, không khí ở Hoài Khao trong trẻo, mát lành . Những ngôi nhà gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương truyền thống, kho thóc đặt trước cửa là nét đặc trưng của nơi đây. Trên đồi, trước cửa một ngôi nhà toát lên vẻ xưa cũ, những người phụ nữ Dao Tiền đang cặm cụi, chăm chút từng công đoạn in hoa văn trên thổ cẩm bằng sáp ong.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nhìn từ trên cao. |
Bà Bàn Thị Liên (ở xóm Hoài Khao) cầm miếng sáp vàng sậm chà nhẹ trên chiếc đĩa sắt tráng men đặt trên than hồng. Miếng sáp dần tan chảy và giữ độ ấm trong khi mấy người phụ nữ dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải.
Bà kể: Nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong bắt nguồn từ truyền thống tự cung tự cấp của người Dao Tiền. Từ xa xưa, người Dao Tiền đã tự trồng bông, se sợi, dệt vải và nhuộm chàm để tạo ra những bộ trang phục truyền thống. Trong quá trình đó, kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong ra đời và phát triển như một phương pháp trang trí độc đáo.
Nghe già làng Hoài Khao kể lại, từ thuở lên 10, các cô gái Dao Tiền đã được bà, mẹ chỉ dạy cách tự làm trang phục của dân tộc mình, trong đó có kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Năm 14 tuổi, bà Liên đã biết tự nhuộm và in những xấp vải đầu tiên cho mình. Khi lấy chồng, bà mang theo vài bộ váy áo được khâu từ vải in sáp ong.
Bà Bàn Thị Liên (ngoài cùng bên trái) cùng chị em ở xóm Hoài Khao in hoa văn bằng sáp ong. |
“Sáp phải là sáp ong khoái được người dân lấy từ hai hang ong trong làng. Chừng tháng 6 âm lịch, sau khi ong khoái bay đi hết, để lại những chiếc tổ to vàng óng sáp và không còn một chút mật nào. Lúc này, thầy mo trong xóm coi ngày giờ lên lấy tổ, làm lễ cúng, trai tráng trong xóm sẽ bắc giàn leo lên lấy tổ. Những tổ ong được mang về nấu lên rồi chia đều cho cả xóm”, bà Liên cho biết.
Tỉ mỉ in những họa tiết hoa văn bằng sáp ong lên vải, chị Nguyễn Thị Duyến (xóm Hoài Khao) chia sẻ: Quy trình để làm ra sản phẩm ưng ý đòi hỏi rất khắt khe với 5 công đoạn: mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô.
Ở công đoạn in hoa văn, phụ nữ Dao Tiền phải dùng các ống tre, trúc có đường kính to nhỏ khác nhau để in các hình tròn. Các que vót mỏng uốn hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lá chít ép phẳng dùng làm cữ. Sáp ong đem đun cho tan chảy giữ độ nóng để sáp in thật ăn vải và rõ nét các hoa văn.
Những họa tiết trang trí được sử dụng trên trang phục thường thể hiện hình ảnh gắn liền với cuộc sống như: rừng núi, thiên nhiên của đồng bào dân tộc Dao Tiền hay mong ước về cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn như: hình đồng xu, kẻ ngang, hình chữ nhật, hình sóng nước…
Việc in ấn được thực hiện liên tục đến khi hết khổ vải mới dừng. Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần, ngày phơi nắng, đêm ngâm chàm. Sau khi nhuộm được màu chàm như ý, tấm vải được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Phần chấm sáp ong không bị nhuộm chàm nên vẫn giữ được màu trắng nguyên bản.
“Những tấm vải in hoa văn sáp ong được phụ nữ Dao Tiền sử dụng để khâu váy. Một chiếc váy mất khoảng một tháng để hoàn thiện. Bởi vậy, người Dao Tiền chỉ cần nhìn trang phục là biết cô dâu có khéo léo, cần cù, biết thu vén gia đình hay không”, chị Duyến nói.
Phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn nghề truyền thống
Ngày nay, các loại vải công nghiệp được ưa chuộng bởi sự tiện lợi khi sử dụng nhưng bà Bàn Thị Liên cho biết, bà và những phụ nữ trong xóm không từ bỏ nghề in vải bằng sáp ong bởi nó là máu thịt của họ.
“Con gái tôi 14 tuổi được tôi truyền nghề in hoa văn bằng sáp ong cách đây 2 năm. Cháu rất ham học, cứ rảnh rỗi là đem dụng cụ ra tập làm. Năm 2023, một du khách Pháp đến Hoài Khao và tôi đã hướng dẫn bà trải nghiệm kỹ thuật in vải. Ngắm sản phẩm do chính tay mình làm ra, bà rất tự hào, không ngừng khen hoa văn đẹp. Sự yêu thích của bà khiến tôi có động lực để tiếp tục giữ lửa nghề.
Khi tham gia một số sự kiện ở Hà Nội như “Sáp ong – sắc chàm” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức hồi tháng 11/2023; phiên chợ Sắc màu non nước Cao Bằng tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây) tháng 4/2024… tôi cũng tranh thủ giới thiệu, quảng bá nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong đến người dân Thủ đô và du khách”, bà Liên kể.
Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong tại xóm Hoài Khao. |
Thực hiện chủ trương gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng xóm Hoài Khao thành điểm du lịch cộng đồng. Theo ông Hoàng Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành, từ năm 2018 huyện Nguyên Bình bắt đầu triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, đưa điện về xóm Hoài Khao; xây dựng khu đón tiếp khách, trưng bày các dụng cụ, trang phục, đồ dùng sinh hoạt của đồng bào… Bà con cũng được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng tiếp đón, phục vụ khách du lịch…
Hoạt động từ năm 2020, đến nay có 7/35 hộ ở xóm Hoài Khao kinh doanh dịch vụ homestay phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; trung bình mỗi homestay có thể đón 10 khách lưu trú. Khi có khách du lịch, bà con giới thiệu và hướng dẫn họ trải nghiệm kỹ thuật in vải bằng sáp ong. Trung bình mỗi năm Hoài Khao đón 400 – 600 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có cả du khách quốc tế.
Xã Quang Thành cũng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng mở các lớp dạy dệt vải, thêu, in hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Dao Tiền.
Trưởng xóm Hoài Khao Lý Hữu Tăng cho biết: Từ khi trở thành điểm du lịch cộng đồng, xóm được đầu tư cơ sở hạ tầng, bà con phấn khởi cải tạo nhà ở, giữ gìn nét văn hóa truyền thống để đón du khách. Tuy còn đơn sơ nhưng hy vọng với sự quan tâm của huyện, xã, dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ giúp bà con trong xóm có cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật in hoa văn bằng sáp ong độc đáo của dân tộc Dao Tiền đến với du khách trong và ngoài nước.