Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động triển khai nội dung “7 dám” (tức là “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”), gần đây, bị một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị cố tình xuyên tạc về nội dung “7 dám”; cho rằng “tinh thần 7 dám là phương án chữa cháy của Ông Trọng do việc đốt lò, chống tham nhũng, tiêu cực bị lỗi tạo ra”; rồi trắng trợn vu khống rằng “đốt lò đã đốt cháy cả niềm tin của dân, phủ nhận tính chủ động, tích cực của cán bộ, đảng viên”; từ đó, quy kết rằng, “do phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sai lầm nên nhiều cán bộ, đảng viên đã mắc sai phạm, biến thành củi khô, bị đưa vào lò”, “làm cho nhiều người sợ hãi nên co mình lại”, “không dám làm gì”, một số cán bộ chủ chốt đã “rút vào phòng ngự, chờ thời”, “không làm gì để giữ ghế”, v.v..
Việc hiểu sai, làm sai tinh thần “7 dám” là điều đáng trách, không thể chấp nhận vì đã và đang cản trở sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, mượn tinh thần “7 dám” để xuyên tạc, hạ thấp uy tín, thanh danh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người nêu ra “7 dám” để chống Ông là điều vô lý, cần phải lên án, vạch mặt những kẻ xấu xa, bỉ ổi.
Trước hết, quan điểm về “7 dám” ra đời là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời, động viên, cỗ vũ cán bộ, đảng viên thực hiện “7 dám” để đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiến lên. Tinh thần “7 dám” mà cố Tổng Bí thư đúc kết, khái quát rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm, mang hàm ý nhân văn sâu sắc, bao quát nhiều nội dung lớn cần triển khai thực hiện, song điểm nhấn mạnh nổi bật là tăng thêm động lực, sức mạnh cho công tác cán bộ của Đảng nói chung, công tác cán bộ trong Quân đội nói riêng.
Quả thật, thời gian qua, một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và quy định nêu gương; đã rơi vào vòng lao lý, phải xử lý kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước; thậm phải ngồi tù, mất danh dự nên rất xấu hổ. Hiện trạng ấy đã làm cho không ít cán bộ “yếu bóng vía”, “lo sợ”, “không dám làm gì”. Từ đó sinh ra việc làm chống chế, bao biện, “dối trên lừa dưới”, “nói một đằng, làm một nẻo”, để việc lớn, việc bé tồn đọng “đắp chiếu”. Đây là điều không được phép, rất tối kỵ đối với một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đang giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy.
Hệ lụy của sự “co lại”, “phòng thủ” đã làm cho đơn vị tụt dốc không phanh; uy tín, vị thế của người cán bộ suy giảm nghiêm trọng bởi “tính ỳ”, “sự ngồi lỳ” của người cán bộ, làm cho họ trở nên “vô tích sự”. Người cán bộ lâm vào tình trạng ấy không những “không làm nên trò trống gì” mà còn làm mất niềm tin của cấp dưới, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Hiện trạng một số cán bộ “án binh bất động”, ngồi nghe ngóng, chờ thời, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, sợ sai, không dám chịu trách nhiệm là có thật, nhưng không phải là phổ biến. Hệ lụy của việc này đã dẫn đến sự chậm chễ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nhất là những công việc nhạy cảm, liên quan đến đất đai, tài chính, nhân sự, kiện cáo…, đã làm cho cơ quan, đơn vị không thể phát triển, cán bộ, đảng viên có tâm lý “co cụm”, “phòng thủ từ sớm từ xa” hết sức nguy hiểm, làm cho cán bộ không thể hiện được phẩm chất, năng lực của mình để cống hiến cho xã hội.
Trong “7 dám” thì “dám hành động vì lợi ích chung” là điểm mới, nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của ý chí quyết tâm sắc đá mà người cán bộ phải thực hiện. Khâu quyết định chất lượng, hiệu quả việc tổ chức triển khai thực hiện thành công “7 dám” là quy tụ, tập hợp và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người chủ trì, chỉ huy đơn vị nhằm thực hiện tốt tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân trong việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt nhất, hiệu quả cao nhất.
Nhận thức đúng, tiếp tục thực hiện nội dung “7 dám” là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay; là biểu hiện sinh động nhất của phẩm chất nhân cách người cán bộ, đảng viên. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về thực hiện nhất quán chủ trương này chính là tiếp bước tâm nguyện, đường hướng, khát vọng của cố Tổng Bí thư đáng kính.