Con người chúng ta sống không chỉ là sống riêng cho bản thân mình mà còn sống vì cộng đồng, vì xã hội. Sống có trách nhiệm đối với xã hội là sống có ích, cống hiến thời gian, sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng đất nước. Trách nhiệm chính trị là một dạng cụ thể của người sống có trách nhiệm, được thể hiện ở những người có vị trí chính trị nhất định trong xã hội. Trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý hoàn toàn khác nhau. Trách nhiệm chính trị là xuất phát từ lòng tự trọng của mỗi cá nhân, sau đó là sự tự kiểm điểm bản thân với nhiệm vụ chính trị mình được giao, kiểm điểm trách nhiệm bản thân với cơ quan, đơn vị, với cộng đồng, với xã hội, với đất nước, cao hơn, nghiêm khắc hơn trách nhiệm pháp lý rất nhiều. Trách nhiệm pháp lý chỉ được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đây là công bằng xã hội, có tính định lượng rõ ràng mà không cần phải xuất phát từ những người có lòng tự trọng cao như trong trách nhiệm chính trị. Do vậy, trách nhiệm chính trị chỉ có thể tìm thấy, được thực thi ở một hệ thống chính trị có lương tâm.
Có thể khẳng định, sống có trách nhiệm nói chung và sống có trách nhiệm chính trị nói riêng là một nét văn hóa của con người Việt Nam thời hiện đại, đang dần được xã hội củng cố và phát triển.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy được những tấm gương sống có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội; cũng như những tấm gương sống có trách nhiệm chính trị cao như các đồng chí Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Các đồng chí lãnh đạo trên chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ cấp dưới là Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, các đồng chí đã làm đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và được sự đồng ý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó thực sự là những tấm gương thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu không hiểu được như vậy hoặc cố tình không hiểu như vậy để có những luận điệu xuyên tạc những người sống có trách nhiệm. Có thể kể đến đó là tổ chức phản động Việt Tân, là các trang mạng xã hội thoibao.de, ThoibaoNew, Việt Nam Thời Báo, Nguyen Van Dai, Thai Van Duong, Thanh Hieu Bui, Thanh Hang,…
Chúng bịa đặt nào là những đồng chí lãnh đạo xin từ chức là do có sai phạm trực tiếp hoặc người nhà có sai phạm; hoặc bịa đặt ra các thông tin, kết hợp nửa thật, nửa giả trong đó suy diễn vô căn cứ, quy chụp, từ xa đến gần, dù không trực diện để người đọc, người xem nghĩ rằng các đồng chí lãnh đạo xin từ chức là do có sai phạm nhưng do giữ các chức vụ cao nên được “bỏ qua”, không bị xử lý theo quy định mà chỉ cho từ chức; từ đó chúng xuyên tạc, bôi xấu, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo xin từ chức, thậm chí quy chụp sang cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác và cuối cùng là bôi xấu, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, chế độ; âm mưu phá hoại nội bộ, gây mất đoàn kết, gây rối loạn xã hội.
Cũng có những quan điểm không đúng rằng những đồng chí xin từ chức là bị mất uy tín, mất danh dự, rồi khóc than, chia sẻ, động viên… mà quên đi rằng những người dám chịu trách nhiệm chính trị là những người có lòng tự trọng cao, có trách nhiệm với đất nước, với xã hội, với tổ chức. Họ đã cống hiến gần như trọn đời cho đất nước và khi thấy bản thân không làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao nữa thì xin từ chức và được đồng ý đó là nét văn hóa hết sức đẹp đẽ, cao quý và đã được những người có trách nhiệm thấu hiểu, đồng tình.
Nhìn rộng, xa hơn trong lịch sử cách mạng Việt Nam hoặc trên bình diện quốc tế không thiếu những tấm gương các đồng chí lãnh đạo xin từ chức vì thấy trách nhiệm của mình như trong lịch sử chính trị cách mạng Việt Nam đã có những tiền lệ lịch sử về sự từ chức của những cán bộ cao cấp trong Đảng. Trước khi giành được chính quyền, trong thời kỳ 1936 – 1938, các đồng chí Lê Hồng Phong(7) và Hà Huy Tập(8) đã từng tự nguyện rời khỏi chức vụ Tổng Bí thư của Đảng để bảo đảm sự thống nhất về đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, nhất là sự hài hòa giữa đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và đường lối chung của Quốc tế Cộng sản lúc đó. Hoặc sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng (1955 – 1956), đồng chí Lê Văn Lương tự nhận thấy có phần trách nhiệm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng nên đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Trên thế giới đó là các nguyên thủ quốc gia (tổng thống, thủ tướng) cho tới các quan chức và chính khách cao cấp khác từ chức thì đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… mặc dù mỗi lúc, mỗi nơi có những lý do chủ quan, khách quan khác nhau nhưng việc này dần trở nên quen thuộc trên thế giới và được đông đảo nhân dân của các nước trên đồng tình, ủng hộ, tôn trọng.
Nếu nhìn nhận dưới góc độ văn hóa, sống trách nhiệm, biết chịu trách nhiệm chính trị là nét đẹp văn hóa cao quý thì những hành vi xuyên tạc, nói xấu những người sống có trách nhiệm hoặc có cách nhìn lệnh lạc trên là xuất phát từ những người không có nền tảng văn hóa hoặc những người vô văn hóa.
Chúng ta luôn giáo dục trẻ sống cần có trách nhiệm, vì vậy người lớn cũng cần làm gương về những vấn đề này. Đừng xuyên tạc về những người sống có trách nhiệm để hạ thấp phẩm giá cao quý này mà chúng ta cần đề cao, khuyến khích để nét đẹp người Việt Nam, văn hóa Việt Nam ngày càng được lan tỏa đến cộng đồng quốc tế. Xã hội chúng ta đang xây dựng hệ giá trị đất nước, hệ văn hóa cộng đồng, con người Việt Nam; đòi hỏi mỗi người phải biết suy ngẫm để sống sao cho có văn hóa, giữ gìn được những bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại; đừng để bản thân đứng trước ngã ba đường của các dòng văn hóa, không phân biệt được đâu là chuẩn mực, là cái đúng, cái sai để định hình giá trị bản thân cũng như định hướng cho hành vi của mình./.