Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16800

Cần tạo ra cơ chế xét xử thông suốt, hiệu quả, bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Tòa án thực hiện hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn xét xử vụ án hành chính thông qua các hoạt động như: hỗ trợ đương sự xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, lấy lời khai của các đương sự liên quan đến vụ án; đối thoại và tranh tụng xét xử; đưa ra quyết định, bản án đúng pháp luật dựa trên nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật không phân biệt địa vị xã hội; kiến nghị với cơ quan, cá nhân có văn bản hành chính, hành vi hành chính việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản, chấm dứt hành vi đó khi phát hiện có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật…

Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn những hạn chế trong hoạt động của Tòa hành chính đối với bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người khởi kiện là cá nhân. Do vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn xét xử vụ án hành chính, cần phải đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập và tuân theo pháp luật trên thực tế.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài bổ sung các quy định của pháp luật về trách nhiệm có mặt của người bị kiện là bắt buộc và có những chế tài xử lý đối với những hành vi này như cảnh cáo, kỷ luật Đảng, cách chức, bãi nhiệm đối với người có hành vi vi phạm quy định của Luật Tố tụng Hành chính, thì cần nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm về tiếp nhận các văn bản, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến vụ án của người bị kiện (đặc biệt là Chủ tịch UBND, UBND các cấp) cũng như ý thức thực hiện nghiêm túc khi có sự triệu tập của Tòa án. Mặc dù hiện nay, trong bất cứ hệ thống pháp luật tố tụng nào cũng thừa nhận nguyên tắc “Thẩm phán nhân dân và Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật” nhưng thực tế thực hiện nguyên tắc này còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn xét xử án hành chính. Vì vậy, giải pháp đặt ra ở đây đó là, phải tạo ra một cơ chế thực sự độc lập về tài chính, về chế độ bổ nhiệm thẩm phán độc lập và không bị phụ thuộc vào bất cứ một cơ quan quyền lực nào. Một giải pháp có thể được đặt ra ở đây đó là, nên chăng xây dựng một cơ chế thẩm phán không có nhiệm kỳ, và coi đây là một chức danh nghề nghiệp, chứ không phải là chức vụ quản lý để không một chủ thể nào, một tổ chức nào có thể tác động đến vai trò, nhiệm vụ của thẩm phán. Đồng thời, cần phải đưa ra những tiêu chí, ví dụ: Các thẩm phán xử án không kéo dài án hành chính, giải quyết hiệu quả án hành chính, đúng hạn, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật là một trong những tiêu chí được tăng lương, thưởng cuối năm hay thẩm phán luôn phải giữ đạo đức nghề nghiệp và đây được coi là một trong những tiêu chí để giữ chức thẩm phán suốt đời, và nếu thẩm phán phạm vào một số các điều thẩm phán không được làm như lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, xử án thiếu trách nhiệm…sẽ bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Thứ hai, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn xét xử vụ án hành chính, cần phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trên thực tế

Để thực hiện tốt nguyên tắc này trên thực tế, ngoài việc bổ sung các quy định của pháp luật như đã trình bày ở trên, thiết nghĩ cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của những chủ thể liên quan đến vụ án tham gia vào các vụ án khi có yêu cầu của Thẩm phán. Từ đó, giảm tải được tình trạng tranh tụng vắng mặt người bị kiện, đồng thời, ý nghĩa của nguyên tắc tranh tụng sẽ được đảm bảo trên thực tế.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp hiệu quả trên thực tế từ phía người bị kiện (đặc biệt nhấn mạnh chủ thể là Chủ tịch UBND, UBND các cấp) và sự phối hợp từ phía các cơ quan quản lý hành chính cung cấp các chứng cứ, tài liệu.

Có thể thấy rằng, hệ thống pháp luật có hoàn thiện đến đâu mà sự phối hợp của những cơ quan này trên thực tế không tốt thì bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người khởi kiện sẽ không được bảo đảm trên thực tế. Vì thế, giải pháp nhấn mạnh ở đây đó là, cần thiết phải tăng cường sự phối hợp hiệu quả trên thực tế giữa các chủ thể nêu trên trong hoạt động cung cấp các tài liệu chứng cứ. Đây được coi là một trong những khâu quan trọng để hoạt động xét xử vụ án hành chính đảm bảo hiệu quả trên thực tế, đồng thời, quyền con người, quyền công dân của người khởi kiện cũng được đảm bảo.

Thứ tư, trong quá trình xét xử các vụ án hành chính, các thẩm phán cần phải đảm bảo các vụ án được giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật và đúng thời hạn luật định, hạn chế các án tồn động, kéo dài tạo ra tâm lý mệt mỏi cho người dân trên thực tế.

Đây là một thực tế còn tồn tại khá phổ biến trên thực tế và hệ quả này tạo ra những phản ứng tiêu cực của người dân khi tham gia các vụ án hành chính: mất niềm tin, không kiên trì, tốn chi phí, tốn thời gian, ngại các thủ tục gây cản trở… Do vậy, việc xét xử đúng hạn và đúng quy định của pháp luật trên thực tế là cơ sở xây dựng niềm tin công dân khi tham gia khiếu kiện các vụ án hành chính. Và, thực hiện được nhiệm vụ này sẽ tạo ra cơ chế xét xử thông suốt, hiệu quả và bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người khởi kiện trên thực tế.■

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *