Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23302

Xử Đinh La Thăng và đồng phạm: Ai hưởng lợi thu phí?

Cháu gái Út trọc thừa nhận chỉ là giám đốc Công ty Yên Khánh trên giấy, nhiều bị cáo khác cùng khai không hưởng lợi từ hành vi sai trái.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc“) tại phiên tòa sáng 14.12. Ảnh: Anh TúBị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa sáng 14.12. Ảnh: Anh Tú

Ngày 15/12/2020, TAND TP. HCM tiếp phiên xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong mua – bán quyền thu phí dự án cao tốc TP. HCM – Trung Lương vứi các bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) và các đồng phạm khác.

Tại phiên xét xử, bị cáo Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh – công ty trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương) khai có quan hệ cậu cháu ruột với Đinh Ngọc Hệ.

Năm 2005, Hệ trực tiếp nhờ Hoan đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh. Giữ chức Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật nhưng thực chất Hoan không tham gia góp vốn, không tham gia họp HĐQT công ty.

Hoan khai mình chỉ là giám đốc trên hồ sơ, đứng tên giùm ông Đinh Ngọc Hệ, còn việc điều hành hoạt động của Công ty Yên Khánh được ông Đinh Ngọc Hệ giao cho Phạm Văn Diệt. Ngoài ra, Diệt còn là tổng giám đốc điều hành nhiều công ty khác của ông Hệ.

Tuy là giám đốc nhưng công việc của Hoan là kế toán, theo dõi các khoản công nợ vay ngân hàng. Hằng tháng Diệt trả lương cho Hoan 15 triệu đồng, 2 tháng trước khi bị bắt, Diệt tăng lương cho Hoan thành 25 triệu.
Còn bị cáo Phạm Văn Diệt khai nhận làm mọi việc theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ. Sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá rồi tiến hành khai thác quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương, bị cáo Diệt tham gia cuộc họp bàn cách cắt giảm, che giấu doanh thu ở các trạm thu phí. Sau đó, Diệt phê duyệt phương thức nộp tiền thu phí theo số liệu can thiệp và doanh thu thực tế.

“Ban đầu ông Hệ chỉ đạo cắt giảm doanh thu, sau đó mới can thiệp bằng phần mềm vi tính Xuân Phi”, Diệt nói.

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Văn Diệt trực tiếp cùng Đinh Ngọc Hệ đến Công ty Cửu Long để tiếp cận, tham gia đấu giá mua quyền thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương.

Diệt biết rõ hành vi làm giả hồ sơ năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh nhằm tạo sự tin tưởng, hợp thức hóa hồ sơ đấu giá. Làm theo lời Đinh Ngọc Hệ, bị cáo Diệt trực tiếp tham gia đấu giá cũng như dự buổi ký hợp đồng bán quyền thu phí.

Bị cáo Diệt khẳng định bản thân không hưởng lợi từ số tiền bị cáo Đinh Ngọc Hệ “bòn rút” ở các trạm thu phí (hơn 725 tỉ đồng).

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Kim Huệ (nguyên kế toán Công ty Yên Khánh) khai không biết Đinh Ngọc Hệ mới là chủ thực sự tại Công ty Yên Khánh. Từ khi làm việc, bị cáo không nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hệ mà chỉ làm theo phân công từ lãnh đạo trực tiếp ở công ty.

Ban đầu, bị cáo này không biết gì về số liệu thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương cũng như phần mềm cài đặt trong máy tính nhằm che giấu sai phạm trong quá trình thu phí. Sau một thời gian, bị cáo mới biết về phần mềm công nghệ nói trên. Tuy nhiên, bị cáo Huệ thừa nhận: “Bị cáo biết Công ty Yên Khánh có hai hệ thống sổ sách – sổ sách lưu giữ số liệu thực tế và sổ sách lưu giữ số liệu trên máy tính”.

Như bị cáo Diệt, nữ bị cáo khăng khăng bản thân không hưởng lợi từ số tiền thất thoát; chỉ làm công ăn lương.

Trong vụ sai phạm, cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT), 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ nhà nước) tội danh vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 12 bị cáo khác bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *