Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15133

Xét xử đúng người, đúng tội

Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã khép lại với 2 án tử hình, 1 án chung thân, nhiều bị cáo được thay đổi tội danh và cho hưởng án treo. Tại phiên toà, HĐXX đánh giá, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng quy định và thẩm quyền. Tại tòa các bị cáo đều không khiếu nại các quyết định tố tụng liên quan, đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và các chứng cứ khác.  

Theo bản án, từ năm 2013 tại xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình và một số người thành lập “tổ đồng thuận” lôi kéo nhiều người dân tham gia khiếu kiện, vu khống chính quyền cướp đất, thực hiện nhiều vụ bắt giữ người gây mất trật tự. Các bị cáo Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến có vai trò chính trong nhóm bị truy tố tội “giết người”. Các bị cáo nhiều lần tổ chức họp quay video kêu gọi chống đối, tuyên bố nếu lực lượng công an về Đồng Tâm sẽ giết 300 – 500 người. Bị cáo Công cùng Nguyễn Quốc Tiến đã bàn bạc mua lựu đạn, khối lượng xăng lớn để làm 85 chai bom xăng, nhiều tuýp sắt, gạch đá chống đối. Rạng sáng 9/1, khi công an di chuyển đến gần thôn Hoành để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, các bị cáo đã đánh kẻng, bắn pháo sang, dùng gạch đá, bom xăng ném vào công an. Bị cáo Chức dùng tuýp sắt gắn dao bầu đâm làm 3 chiến sĩ công an rơi xuống hố, sau đó Chức và Doanh đổ xăng ra chậu đốt rồi gạt xuống, tiếp tục đổ thêm 3-5 lần xăng xuống hố làm 3 chiến sĩ thiệt mạng. Ba chiến sĩ bị thiêu cháy trong hoàn cảnh vô cùng thương tâm khi đang làm nhiệm vụ kêu gọi các đối tượng ra hàng, điều đó đã thể hiện sự quyết liệt của các bị cáo trong thực hiện hành vi phạm tội giết người. Bản án cũng xác định hành vi của Chức là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết đối với 3 chiến sĩ nên cần áp dụng hình phạt tử hình.

Bị cáo Lê Đình Doanh trực tiếp ném bom xăng, cùng bị cáo Chức đổ xăng ra chậu đốt, gạt xuống hố. Doanh là một trong những người trực tiếp gây ra cái chết của 3 chiến sĩ. Bị cáo có thân nhân xấu, 3 lần bị xét xử về các tội khác nhưng không hối cải mà còn tiếp tục phạm tội với tính chất nghiêm trọng hơn. HĐXX cho rằng lẽ ra cần áp dụng hình phạt loại bỏ bị cáo Doanh ra khỏi xã hội nhưng xét thấy bố và chú ruột đã bị tuyên án tử hình, tại tòa bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên áp dụng hình phạt chung thân.

Bị cáo Nguyễn Viết Hiểu khi phạm tội là người già cao tuổi, không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Hành vi của các bị cáo Công, Chức, Doanh, Hiểu, Tuyển, Tiến đủ yếu tố cấu thành tội “giết người”, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội “giết người” với tình tiết giết 2 người trở lên, giết người thi hành công vụ, hành vi phạm tội có tính tổ chức là có căn cứ. Đối với 19 người còn lại trong nhóm bị cáo bị truy tố tội giết người, HĐXX cho rằng họ bị ông Kình, Công, Hiểu lôi kéo tham gia khiếu kiện hứa hẹn chia đất nên đã tham gia tổ đồng thuận chống đối lực lượng chức năng. Hầu hết các bị cáo có mặt tại nhà ông Kình tối 8/1 là để họp bàn thủ đoạn chống đối. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy các bị cáo đều là nông dân chất phác, thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bị ông Kình, Công, Hiểu lôi kéo, dụ dỗ. Những người này tuy tham gia mua vũ khí, vật liệu chống đối song không trực tiếp thực hiện hành vi gây ra cái chết cho 3 nạn nhân. Tại tòa, các bị cáo đã thành khẩn nhận tội và gửi lời xin lỗi đến gia đình 3 chiến sĩ công an. Do đó, HĐXX đồng quan điểm với viện kiểm sát việc thay đổi tội danh với họ từ “giết người” sang “chống người thi hành công vụ”.

Về quan điểm của luật sư cho rằng, nguyên nhân sâu xa xảy ra vụ án là do chính quyền không giải quyết thấu đáo khiếu kiện đất đai kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, tài liệu vụ án và thực tế cho thấy khu đất Đồng Sênh là đất quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn và đã được các cấp có thẩm quyền thanh tra, kết luận, công bố cụ thể. Do vậy tòa không chấp nhận quan điểm này của luật sư. Về ý kiến cho rằng các bị cáo bị ép cung, HĐXX nhận định: Quá trình điều tra đã ghi âm, ghi hình khi hỏi cung theo đúng quy định. Tại phiên tòa, trước chứng kiến của luật sư và cơ quan báo chí, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ. Các bị cáo không phản ánh việc bị ép cung. Do đó HĐXX bác quan điển trên của luật sư.

Như vậy, với việc phân tích thấu đáo, có lý, có tình, HĐXX đã tuyên các mức án vừa thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật, vừa mang tính khoan hồng, nhân văn. Tính khoan hồng, nhân văn đó vừa xét kỹ tính chất, hành vi, nhân thân của các bị cáo, vừa nhằm mục đích giáo dục, cảnh tỉnh để họ biết hối cải, phục thiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *