Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15815

VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG KỲ 1 KHÔNG ĐỂ BỊ ĐỘNG, DỰA DẪM

Để giảm nghèo bền vững, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin…), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra, điều quan trọng nhất phải làm cho mỗi người dân ngay từ trong tư tưởng đã phải muốn và sẽ làm được việc thoát nghèo. Phải làm cho người dân có nhận thức đúng đắn, có quyết tâm thoát nghèo và biết cách thoát nghèo đúng đắn, phù hợp với từng hoàn cảnh, người nghèo mới thực sự thoát nghèo bền vững. Với định hướng đó, Tạp chí Nhân quyền Việt Nam xin trân trọng giới thiệu 3 kỳ bài viết “Vươn lên thoát nghèo bền vững”.

KỲ 1: KHÔNG BỊ ĐỘNG, DỰA DẪM

Là người theo dõi lâu năm về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong cuộc phỏng vấn của Tạp chí Nhân quyền Việt Nam cho rằng: Tạo ra sinh kế cho người nghèo thông qua các chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước về vốn vay, về điều kiện sản xuất, y tế, giáo dục, thông tin, kỹ thuật… để chính người nghèo tự vươn lên, tự xoá đói giảm nghèo thì việc thoát nghèo mới thực sự bền vững. Chỉ khi nào người nghèo tự nâng cao năng lực, tự nâng cao khả năng canh tác, tự nâng cao năng lực hạch toán thì hộ nghèo ấy mới thoát nghèo bền vững và căn cơ.

          Ước mơ làm giàu

Đoàn phóng viên chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế tại một số xã, thôn khó khăn của tỉnh Bắc Kạn. Con đường đến thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc gặp không ít khó khăn. Đường vào thôn phải vượt qua những con dốc dựng đứng, cheo leo. Cách đường quốc lộ 25 km, nhưng cũng mất cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Bắc Kạn vốn là một tỉnh nghèo, xã Xuân Lạc còn là xã “tiêu biểu” về số người nghèo chiếm 30%. Khó khăn là thế, tuy nhiên đã có nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, có ý định mở rộng sản xuất để làm giàu từ sự hỗ trợ vốn vay của Nhà nước.

“Nung nấu ý chí làm giàu; có quyết tâm, không ỷ lại, dựa dẫm; học hỏi từ cán bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, học hỏi từ những người đã thành công; bền bỉ, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý; không ham mê rượu chè, không tham gia tệ nạn, sống lành mạnh”, đây là những bí quyết được ông Dương Văn Ky, người dân tộc Mông, thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồng, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

          Căn nhà nhỏ của ông Ky, nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ, với 8 nhân khẩu, ở tập trung. Đối diện phía bên kia, dưới thung lũng nhỏ trồng cỏ cho bò là nhà của con trai ông, anh Dương Văn Tu, là Bí thư chi bộ thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc. Từ đường lớn vào tới nhà ông Ky và anh Tu cũng phải mất hơn nửa giờ đi xe. Ông Ky “khoe” với chúng tôi, năm trước ông được duyệt cho vay 100 triệu, ông đã đầu tư 80 triệu để san lấp một vạt đồi sau nhà để lấy chỗ trồng cỏ, chăn thả trâu, bò. Hiện nhà ông có 6 con trâu, trong đó có 2 trâu cái sắp đẻ. Một con trâu đực đang vỗ béo, nếu bán cũng được suýt soát 50 triệu một con trâu. Như vậy số vay 100 triệu không có gì đáng ngại. Ông cho biết còn muốn vay thêm 100 triệu nữa để trồng các loại cây đặc sản của tỉnh như mận xung quanh quả đồi của nhà mình. Ngoài ra, ông cũng muốn phát triển việc trồng lúa để bảo đảm cái ăn.

Để minh chứng cho lời kể của mình thêm thuyết phục, ông dẫn chúng tôi ra chuồng trâu trước cửa nhà ở lưng ngọn đồi, đang nhốt một chú trâu to lớn, đang được vỗ béo để xuất bán. Nhìn cách ông chăm bẵm, vỗ về con trâu thật thân thiết, mới thấy ông đã đặt kỳ vọng như thế nào vào con vật sẽ mang lại sự đổi đời cho gia đình. “Tôi đang bàn với côn trai, tới đây sẽ mua thêm vài con nữa, nuôi khoảng 1-2 tháng, vỗ béo rồi bán cũng kiếm được vài triệu mỗi con”, ông Ky kể về dự định mới của bố con ông. Chưa hết câu chuyện, ông dẫn tôi cùng chị Phan Thị Lệ, cán bộ xã Xuân Lạc và ông Ma Văn Dũng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Chợ Đồn cùng ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng Công tác bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Kạn để “khoe” mảnh đất ông vừa thuê máy san lấp. Ông Ky và anh Tu chỉ vào các chú trâu, ghé lớn nhỏ ông nói với chúng tôi, rồi chúng sẽ sinh sôi, khu chuồng này sắp phải mở rộng thêm nữa. Đàn trâu lớn hơn thì con đường làm giàu sẽ ngắn lại. Chúng là nhà mới, là sách vở, là cơ hội cho con trẻ được học tập tốt hơn.

Ông Dương Văn Ky trao đổi với cán bộ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tại khu chuồng nuôi trâu.

Trong câu chuyện ông kể về quá trình mình thoát nghèo, ông đặc biệt nhấn mạnh tới ý chí vươn lên của từng người, từng gia đình. Ý chí ấy không phải là điều gì lớn lao, mà đó là sự chịu khó, nhẫn nại và ý thức sống lành mạnh. Ở thôn của ông, hầu hết mọi người đều không uống rượu. Ngoài lúc làm việc ngoài ruộng, trên nương, tối về cả nhà quây quần chia sẻ việc nhà. Không có chuyện ai đó trong nhà uống rượu triền miên, bỏ bê công việc. Ngồi nghe ông Ky kể chuyện, lúc này chị Phan Thị Lệ mới lên tiếng: “Tôi đã bám trụ ở địa bàn xã Xuân Lạc 5 năm rồi. Đúng là như vậy. Gia đình ông Ky là gia đình mẫu mực trong sinh hoạt. Tấm gương thoát nghèo, vươn lên làm giàu của gia đình ông đang được cán bộ cơ sở nhân rộng. Ông Ky nói được, làm được, và làm có hiệu quả chính là hình mẫu để bà con trong thôn học tập, làm theo. Ở một vùng mà trình độ dân trí chung vẫn chưa cao lắm, có được gương sáng như thế quý lắm”. Chị Lệ cho biết thêm, với văn hóa của bà con vùng cao, trăm lời nói không bằng một tấm gương. Những tấm gương vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ như gia đình nhà ông Ky có tác dụng giáo dục rất tốt. “Trong các buổi tuyên truyền về cách làm ăn giỏi, tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm và có cuộc sống lành mạnh, tôi luôn lấy hình mẫu nhà ông Ky để nói cho bà con hiểu và học tập” chị Lệ nói.

Còn chị Trần Thị Lý, một trong những người dân xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ vốn cho biết, trước kia gia đình chị rất vất vả mới đủ ăn. Nay được vay vốn, được hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo chị đã có đàn gà cả trăm con. Chị cùng gia đình hy vọng sẽ tích lũy được chút tiền từ đàn gà này và vay mượn thêm để cải tạo ngôi nhà đang ở đã quá cũ, bị mưa dột. Gia đình chị Lý tuy chưa phải là một trong những gia đình tiêu biểu về thoát nghèo do chỉ làm kinh tế nhỏ lẻ, nhưng những thành quả bước đầu còn nhỏ bé ấy đang lớn dần lên khi chị đã dần hiểu ra và biết cách làm thế nào để thoát được nghèo.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Ngoài việc đưa ra các chính sách phù hợp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi, vấn đề quan trọng là tạo kế sinh nhai, tạo cái cơ hội để người dân phát triển sản xuất.Nhưng trước tiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm cho bà con thay đổi nhận thức tư tưởng. Phải chuyển từ tư tưởng thụ động, bị động, trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước chuyển biến sang quan điểm mới là tự vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Những con số biết nói

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả, thành tựu tích cực. Giảm nghèo bền vững đã trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tỷ lệ giảm hộ nghèo luôn đạt vượt chỉ tiêu Chính phủ, Quốc hội giao, tính bền vững trong công tác giảm nghèo được cải thiện. Chương trình giảm nghèo được thực hiện công khai, minh bạch đặc biệt là có sự giám sát, phản biện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin…); góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Chị Trần Thị Lý rất vui khi đàn gà do ngân sách hỗ trợ đang lớn và đã được xuất bán.

Đến nay, 100% các tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch giảm nghèo; thành lập BCĐ, ban hành quy chế quản lý điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia; 42 tỉnh ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, 9 tỉnh áp dụng quy định của Trung ương và 12 tỉnh tự cân đối ngân sách và không được bố trí vốn từ Trung ương; hơn 20 tỉnh ban hành danh mục áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP; 100% các tỉnh có qui định về định mức hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng công trình.

Cả hệ thống chính trị  đã vào cuộc quyết liệt từ cấp Trung ương cho tới cơ sở. Mỗi xã thành lập một Ban quản lý cấp xã do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 là 41.449 tỷ đồng. Sức mạnh tổng hợp đã được phát huy. Các công trình đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

Để có thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững, chúng ta đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt; tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường. (Xem tiếp kỳ 2).

Nguyên Vinh – Thu Trang

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, sau 4 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 5,23% cuối năm 2018 bình quân trong 3 năm giảm trung bình 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/ năm; các dự án khi triển khai thực hiện đã từng bước phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cao, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến năm 2020, Ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 42.110,498 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng đã thực hiện huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và giảm nghèo bao gồm các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công…

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *