Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Campuchia bao gồm 20 điều, cụ thể là: giải thích từ ngữ (Điều 1); mục đích của Hiệp định (Điều 2); cơ quan trung ương (Điều 3); điều kiện chuyển giao (Điều 4); các căn cứ từ chối chuyển giao (Điều 5); thủ tục chuyển giao (Điều 6); sự đồng ý của người bị kết án phạt tù (Điều 7); việc xem xét lại bản án và đặc xá, đại xá hoặc giảm hình phạt (Điều 8); hiệu lực của việc chuyển giao đối với Bên nhận (Điều 9); tiếp tục thi hành hình phạt (Điều 10); hiệu lực của việc thi hành xong hình phạt đối với Bên chuyển giao (Điều 11); thông tin về việc thi hành hình phạt (Điều 12); ngôn ngữ (Điều 13); chi phí (Điều 14); tham vấn (Điều 15); giải quyết bất đồng (Điều 16); nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế (Điều 17); bàn giao người bị kết án phạt tù (Điều 18); sửa đổi (Điều 19); điều khoản cuối cùng (Điều 20).
Thể hiện tính nhân đạo và nhân văn
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới trong lĩnh vực chuyển giao người bị kết án phạt tù, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy ký kết Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù với Campuchia, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của người bị kết án phạt tù. Hiệp định chính thức có hiệu lực ngày 01/10/2020 với mục đích nhân đạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công dân nước này bị kết án phạt tù ở nước kia trong việc thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng thành công.
Thực hiện quy định của Công ước Liên Hợp (LHQ) quốc về chống tham nhũng năm 2003, Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 và Công ước quốc tế về chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy năm 1988, nhằm tạo điều kiện cho công dân nước này bị kết án phạt tù ở nước kia tái hòa nhập cộng đồng thành công bằng việc chuyển giao các phạm nhân này về nước họ mang quốc tịch, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Campuchia đã được thúc đẩy ký kết. Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn đàm phán dự thảo Hiệp định. Dự thảo Hiệp định được tổ chức hai vòng đàm phán tại Hà Nội và Xiêm Riệp từ tháng 3 và tháng 6/2016. Ngày 20/12/2016, tại Hà Nội, đại diện được ủy quyền của hai Bên đã ký Hiệp định nhân dịp chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đến Việt Nam. Sau khi hoàn tất thủ tục trong nước để Hiệp định chính thức có hiệu lực, ngày 17/9/2020, Bộ Ngoại giao có Thông báo số 52/2020/TB-LPQT về việc điều ước quốc tế có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.
Hiện, có trên 30 phạm nhân là công dân Campuchia đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam (trong tổng số trên 500 phạm nhân nước ngoài) và có hàng chục công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại Campuchia (trong tổng số trên 4.000 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài). Do đó, việc thực hiện Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước khi phạm tội và bị kết án phạt tù được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm mục đích tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi họ chấp hành xong hình phạt; qua đó, bảo đảm quyền con người của các phạm nhân và thể hiện thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế, chính sách nhân đạo, bản chất nhân văn, trách nhiệm đối với công dân của hai nhà nước. Mặt khác, việc thực hiện Hiệp định còn tăng cường cơ sở pháp lý trong phòng, chống tội phạm và hoạt động hợp tác thực thi pháp luật giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Những lưu ý khi triển khai Hiệp định
Sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền của hai nước Việt Nam và Campuchia cần nhanh chóng triển khai thực hiện Hiệp định. Về phía các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, để chủ động triển khai thực hiện Hiệp định cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, việc triển khai thực hiện Hiệp định vừa phải căn cứ vào các quy định của Hiệp định, vừa phải căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động chuyển giao người bị kết phát tù như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành án phạt tù; đồng thời, trong từng trường hợp cụ thể cũng cần tính đến nguyên tắc hợp tác “có đi có lại” theo pháp luật quốc tế và mối quan hệ đặc thù Việt Nam – Campuchia.
Hai là, theo quy định của Hiệp định và pháp luật Việt Nam, Bộ Công an là Cơ quan trung ương của Việt Nam thực hiện Hiệp định và phía Campuchia là Bộ Tư pháp (Điều 3). Ngày 12/10/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03), trong đó giao V03 thực hiện chức năng cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Ba là, các trại giam cần tuyên truyền, phổ biến đến công dân Campuchia đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam đó quyền được chuyển giao về Campuchia để tiếp tục chấp hành án phạt tù theo quy định của Hiệp định. Cùng với đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cần phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia nắm bắt số lượng, tâm tư, nguyện vọng của công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại Campuchia cũng như tuyên truyền, phổ biến quyền được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án.
Bốn là, Hiệp định này có bản chất nhân đạo. Vì vậy, cần quán triệt điều kiện của việc chuyển giao người bị kết án là phải có sự đồng ý của người bị kết án. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù không đủ năng lực đồng ý theo pháp luật của Bên chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó (luật sư, người giám hộ…). Trong trường hợp cần thiết, các Bên có thể cử cán bộ, sĩ quan liên lạc hoặc đề nghị Đại sứ quán của mình tại nước kia cử cán bộ xác minh sự đồng ý của người bị kết án.
Năm là, yêu cầu chuyển giao chỉ được xem xét khi người bị kết phạt tù còn phải chấp hành ít nhất 01 năm của hình phạt tù vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao. Trong trường hợp đặc biệt, điều kiện này có thể được miễn theo thỏa thuận của các Bên. Trường hợp đặc biệt ở đây do các Bên quyết định, bao gồm việc người đó bị bệnh hiểm nghèo muốn về điều trị hoặc chết tại quê hương, để đáp ứng yêu cầu đối ngoại… Quy định này nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người bị kết án.
Sáu là, một trong những điều kiện tiên quyết của việc chuyển giao người bị kết án là bản án đã có hiệu lực pháp luật và không còn bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với người đó đang chờ được tiến hành trên lãnh thổ của Bên chuyển giao. Điều này được hiểu bản án đã có quyết định thi hành và đã thông qua thủ tục phúc thẩm trên cơ sở kháng cáo, kháng nghị (nếu có). Tuy nhiên, thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm không được tính đến trong trường hợp này vì căn cứ để tiến hành các thủ tục này chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện vào thời điểm gửi yêu cầu chuyển giao. Bên chuyển giao bảo lưu thẩm quyền xem xét lại bản án.
Bảy là, ngoài quy định của pháp luật, việc chuyển giao người bị kết án phạt tù cần được xem xét trên các phương diện an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, yêu tố nhân đạo, khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, sức khỏe cộng đồng và thiện chí hợp tác giữa cơ quan có thẩm quyền hai nước. Việc chuyển giao người bị kết án có thể bị từ chối khi có căn cứ cho rằng người được chuyển giao có thể bị tra tấn, trả thù, đối xử hoặc trừng trị tàn bạo và vô nhân đạo tại Bên nhận; hoặc việc chuyển giao có thể phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc các lợi ích thiết yếu khác của các Bên.
Tám là, theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, trình tự, thủ tục xem xét và thực hiện yêu cầu chuyển giao người bị kết án phạt tù được ba cơ quan chính thực hiện là Bộ Công an, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; trong đó, Bộ Công an là cơ quan đầu mối tiếp nhận, lập hồ sơ, xem xét hồ sơ bước đầu, chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết theo thẩm quyền; thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao người bị kết án theo quyết định của Tòa án; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền (nơi người bị kết án đang chấp hành án đối với công dân Campuchia hoặc nơi thường trú trước khi sang Campuchia đối với công dân Việt Nam) mở phiên họp (có đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án, người yêu cầu chuyển giao (chỉ trong trường hợp chuyển giao cho phía Campuchia) xem xét yêu cầu chuyển giao người bị kết án; Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tham gia phiên họp, thực hiện việc giám sát thi hành pháp luật theo thẩm quyền. Tòa án nhân dân cấp cao và Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao chỉ tham gia khi có kháng cáo, kháng nghị về quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về việc xem xét yêu cầu chuyển giao người bị kết án. Sau khi nhận được các quyết định có hiệu lực của Tòa án, Bộ Công an tổ chức thi hành ngay việc tiếp nhận, bàn giao người bị kết án theo thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của Campuchia. Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần chú ý thực hiện Công văn số 272/TANDTC-HTQT ngày 24/11/2017 của Tòa án nhân dân tối cao.
Chín là, hàng năm, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp Campuchia cần tiến hành tổng kết các kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định; qua đó, rút kinh nghiệm và thống nhất giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định.
Mười là, sớm xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy chế phối hợp giữa Công an các đơn vị, địa phương (V03, C10, V02, A08, Trại giam, Công an tỉnh, Đồn Công an cửa khẩu quốc tế tại các sân bay quốc tế và sĩ quan liên lạc của Bộ Công an đặt tại các nước) trong tổ chức tiếp nhận, bàn giao người đang chấp hành án phạt tù theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ (Báo cáo số 39/BC-V03-P5 ngày 04/12/2020 của V03). Trước mắt, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động trang bị kiến thức pháp luật, tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, chú trọng đào tạo cán bộ để triển khai thực hiện tốt các quy định của Hiệp định và Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, hướng dẫn trong cuốn Sổ tay công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh – chủ biên), NXB Hồng Đức, năm
Hiện, có trên 30 phạm nhân là công dân Campuchia đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam (trong tổng số trên 500 phạm nhân nước ngoài) và có hàng chục công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại Campuchia (trong tổng số trên 4.000 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại nước ngoài). Do đó, việc thực hiện Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Campuchia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân hai nước khi phạm tội và bị kết án phạt tù được chuyển giao để tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mình mang quốc tịch nhằm mục đích tái hòa nhập cộng đồng thành công sau khi họ chấp hành xong hình phạt; qua đó, bảo đảm quyền con người của các phạm nhân; thể hiện thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế, chính sách nhân đạo, bản chất nhân văn, trách nhiệm đối với công dân của hai nhà nước.
ThS. LÊ XUÂN THẢO