Từ 1/12, thông tin sai sự thật báo chí có thể bị phạt đến 100 triệu đồng
Tháng cuối cùng của năm 2020, nhiều quy định mới được triển khai trong đó có tăng mức xử phạt báo chí đưa thông tin sai sự thật, ngân hàng cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế, xử lý người kê khai tài sản không trung thực…
Theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản được ban hành ngày 7/10/2020 và có hiệu lực từ 1/12 nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh.
Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí. Cụ thể: Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, phạt từ 5-10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1-3 triệu đồng).
Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng, phạt từ 50-70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5-10 triệu đồng).
Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, phạt từ 70-100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20-30 triệu đồng).
Trong cả 3 trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1-12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng).
Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
Nghị định 130 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực.
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 128 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/12, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.
Kiểm tra xuất nhập cảnh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phạm Hải |
Cụ thể, người xuất cảnh bị phạt 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5-10 triệu đồng; Phạt 5-15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 đến dưới 70 triệu đồng; Phạt 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 đến dưới 100 triệu đồng; Phạt 30-50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phải kiểm tra nữ tử tù có thai không trước khi tử hình
Cũng từ ngày 1/12, Thông tư liên tịch số 02/2020 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Bộ Y tế – Bộ Ngoại giao – TANDTC – VKSNDTC quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực thi hành. Thông tư liên tịch số 05/2013 hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng sẽ hết hiệu lực.
Theo đó, nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, xác định người này có thai hay không.
Ngoài ra, nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi tử hình (trong thời gian giam giữ chờ thi hành án hoặc trên đường áp giải đến địa điểm tử hình) thì phải xác định nguyên nhân chết.
Sau khi xác định xong và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi của người này về mai táng hoặc tổ chức mai táng.
Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5/12.
Khoản 2, Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Lương giảng viên đại học công lập đến 11,92 triệu/tháng
Thông tư 40 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có hiệu lực từ 12/12.
Giảng viên đại học trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thanh Hùng |
Thông tư đề cập đến chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy tại các trường đại học công lập bao gồm: Giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giảng viên, trợ giảng.
Giảng viên cao cấp áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Tính theo mức lương cơ sở năm 2021 (1,49 triệu/tháng), mức lương cụ thể với giảng viên này sẽ từ 9,238 triệu đồng/tháng đến 11,92 triệu đồng/tháng.