Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9054

Tăng cường giám sát và phản biện xã hội: Vai trò mới của Công đoàn Việt Nam!

 

Lâu này các thể lực thù địch, phản động luôn xuyên tạc, phủ nhận vai trò của ngành công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Chúng cho rằng, công đoàn chỉ hoạt động trên danh nghĩa, không thực sự đại diện cho người lao động, không can thiệp hiệu quả vào các vấn đề tranh chấp lao động hay vi phạm quyền lợi của người lao động. Chúng viện dẫn một số vụ việc khiếu kiện, đình công tự phát của người lao động để gán ghép, vu cáo công đoàn Việt Nam bị “chi phối” bởi Nhà nước, không thực sự hoạt động độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động hoặc chế giễu cán bộ công đoàn không đủ năng lực để đối phó với các vấn đề lao động trong thời kỳ hội nhập… Động cơ của những thành phần núp danh dân chủ, nhân quyền này thường cố tình xuyên tạc để làm mất uy tín của tổ chức công đoàn, kích động sự bất mãn trong cộng đồng lao động, chia rẽ người lao động với tổ chức công đoàn, gây mất lòng tin vào các cơ quan bảo vệ quyền lợi lao động, từ đó bôi nhọ chế độ chính trị ta “bỏ rơi giai cấp công nhân và người lao động”.

Trên thực tế, ngành công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện và dân chủ. Sự liên kết với Nhà nước và các tổ chức khác nhằm mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, chứ không phải là sự phụ thuộc hay mất độc lập. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công đoàn đã có những cải cách để thích nghi, như việc ký kết các thỏa ước lao động tập thể, thúc đẩy đối thoại xã hội và xây dựng môi trường lao động hài hòa, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nhằm phát huy vai trò ngành Công đoàn, mới đây Luật Công đoàn sửa đổi năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao vai trò của Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh các chức năng truyền thống như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, công đoàn giờ đây còn được giao thêm nhiệm vụ mới: thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Quy định này không chỉ giúp công đoàn phát huy vai trò đại diện của mình mà còn góp phần xây dựng một xã hội minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.

SỰ CẦN THIẾT CỦA VAI TRÒ GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường lao động tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp. Quan hệ lao động đối diện với nhiều thách thức như tranh chấp, bất bình đẳng và những vi phạm pháp luật từ cả hai phía: người lao động và người sử dụng lao động. Xã hội hiện đại đòi hỏi các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức chính trị – xã hội như công đoàn, phải minh bạch và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.Đặc biệt, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA yêu cầu Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn về lao động, bao gồm việc thực hiện các quyền giám sát và phản biện xã hội của tổ chức công đoàn.

Việc bổ sung quyền giám sát và phản biện xã hội trong Luật Công đoàn sửa đổi năm 2024 không chỉ là sự phản ánh của thực tế mà còn là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Điều này khẳng định công đoàn không chỉ là tổ chức bảo vệ người lao động mà còn là một “cơ chế giám sát xã hội,” đóng góp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật.

NỘI DUNG VỀ GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRONG LUẬT CÔNG ĐOÀN SỬA ĐỔI

Quy định cụ thể trong Luật Công đoàn sửa đổi 2024: (1) Về Quyền giám sát xã hội, Công đoàn được giao quyền giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. (2) Về Quyền phản biện xã hội, Công đoàn có quyền đưa ra ý kiến, kiến nghị về các chính sách, pháp luật hoặc các vấn đề xã hội liên quan đến lao động, việc làm, an sinh xã hội và các lĩnh vực khác. (3) Về phạm vi giám sát, từ việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội đến việc xử lý tranh chấp lao động. (4) Về phương thức thực hiện, Công đoàn thực hiện giám sát thông qua các hoạt động như đối thoại, thanh tra, báo cáo và tham gia vào các hội đồng tư vấn, phản biện.

Việc bổ sung quy định này vừa tăng cường quyền đại diện của công đoàn, đóng góp quan trọng vào cải cách hành chính và thúc đẩy trách nhiệm xã hội. Công đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật.Vai trò giám sát của công đoàn giúp phát hiện kịp thời các sai phạm, từ đó góp phần cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước.Từ đó, Công đoàn trở thành một kênh phản ánh ý kiến của người lao động và xã hội đến các cơ quan nhà nước, giúp tăng cường trách nhiệm giải trình.

Quyền giám sát giúp người lao động được bảo vệ tốt hơn trước các vi phạm về chế độ làm việc, tiền lương và an toàn lao động. Qua hoạt động phản biện xã hội, người lao động có cơ hội bày tỏ ý kiến, đề xuất các vấn đề mà họ quan tâm.

Đối với doanh nghiệp, quy định này tạo áp lực để doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định pháp luật, từ đó giảm thiểu tranh chấp lao động.Sự có mặt của công đoàn như một bên giám sát giúp quan hệ lao động trở nên hài hòa, minh bạch và bền vững hơn.

Đối với cơ quan nhà nước, Công đoàn đóng vai trò như một “tai mắt” của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát thực hiện pháp luật lao động. Các ý kiến phản biện của công đoàn là nguồn thông tin quan trọng để Nhà nước điều chỉnh, sửa đổi chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.

Tuy nhiên, việc triển khai quy định này còn nhiều khó khăn, thách thức do nhiều cán bộ công đoàn chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng giám sát và phản biện xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ mới. Việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi nhiều nguồn lực nhưng hiện nay, không phải công đoàn nào cũng có đủ kinh phí và nhân sự. Chưa kể đến, một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng hợp tác với công đoàn trong các hoạt động giám sát, thậm chí tìm cách hạn chế quyền này. Bản thân chính người lao động chưa hiểu rõ về quyền giám sát và phản biện xã hội của công đoàn, dẫn đến việc chưa tận dụng được lợi ích từ vai trò này.

Luật Công đoàn sửa đổi năm 2024 không chỉ nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn mà còn khẳng định vai trò không thể thiếu của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Vai trò giám sát và phản biện xã hội mà công đoàn đảm nhận không chỉ là trách nhiệm mới mà còn là cơ hội để công đoàn khẳng định uy tín và sức mạnh của mình trong giai đoạn mới.

Ngành công đoàn Việt Nam, với bề dày lịch sử và vai trò quan trọng, không chỉ là đại diện hợp pháp của người lao động mà còn là trụ cột trong việc xây dựng môi trường lao động công bằng, hài hòa và tiến bộ. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Công đoàn Việt Nam đã, đang và tiếp tục đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trở thành người đại diện đáng tin cậy của người lao động và đối tác quan trọng trong xây dựng một xã hội công bằng, văn minh. Luật Công đoàn sửa đổi 2024 chính là nền tảng pháp lý vững chắc để hiện thực hóa những mục tiêu đó.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *