Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
33856

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Bất chấp, phớt lờ những thành tựu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam cũng như tinh thần sẵn sàng đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, EU, Úc, Na Uy thì trong các báo cáo tự do tôn giáo của một số nước lại đề cập đến Việt Nam với những thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền “tự do tôn giáo” của người dân. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp một số tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo cho rằng họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; rêu rao rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của giáo hội…

Những đánh giá ấy chẳng những không phản ánh đúng bản chất tình hình mà thậm chí cố tình phớt lờ những thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thực chất đây không chỉ là những nhận thức sai lệch, mà xuất phát từ âm mưu, mục đích chính trị của các đối tượng phản động, nhằm lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta và chính quyền các cấp của chúng ta. Tuy nhiên, phụ họa với các báo cáo đó là dàn fan cuồng như Baotiengdan có bài viết “Tự do tôn giáo tại Việt Nam” với những đánh giá phiến diện về thực tế tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của nước ta hiện nay, kiểu như“Quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam vẫn chỉ là trò hề của nhà cầm quyền. Các tổ chức tôn giáo của Phật giáo và Kitô giáo, thật ra chỉ là cánh tay nối dài của bộ máy chính trị nhằm thao túng và định hướng mọi sinh hoạt của các Phật tử và Giáo dân. Các tôn giáo khác tại Việt Nam cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của Ban Tôn giáo chính phủ” hay “Các Sư thầy và các Linh mục của “Phật giáo quốc doanh” và “Giáo hội nhà nước” chỉ là các con cờ của nhà nước trong tiến trình “quốc doanh hoá” các tôn giáo của chế độ”.…. Đây là điển hình của những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, đây chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Y Hin Niê (thứ 2 từ trái sang) tham dự Hội nghị Tự do tôn giáo Đông Nam Á tại Đông Timor 2016

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại khoản 1, 2 điều 24 Hiến pháp năm 2013, cụ thể như: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo.

Hiện nay, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức hoạt động và quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Lẽ tất nhiên, các hoạt động xã hội nói chung và các hoạt động liên quan tôn giáo cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, tự do phải trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu là tự do theo hay không theo một lực lượng siêu nhiên, có thể tự do khước từ hoặc loại bỏ niềm tin đã có. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là vô giới hạn, bởi trong xã hội loài người, khi một cá nhân vượt quá quyền của mình sẽ ảnh hưởng đến quyền của cá nhân khác.

Với nỗ lực rất lớn của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm các tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, với các mặt hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo như: giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội… được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục…

Với khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương. Hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng…Qua đó cho thấy, những luận điệu xuyên tạc, vu cáo kia thật nực cười.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *