Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
35259

Quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động: Những thách thức cần giải quyết

Quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động: Những thách thức cần giải quyết.

Thời gian qua, việc thực thi “quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động” còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, dẫn tới tranh chấp trong quan hệ lao động, thậm chí phát sinh các vụ đình công trái pháp luật với quy mô tương đối lớn. Điển hình như vụ đình công của 90.000 công nhân công ty PouYoen (khu công nghiệp Tân Tạo – Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2015, hay mới đây là các vụ đình công của hơn 6.000 công nhân tại công ty Ivory Việt Nam và công ty Ny Hoa Việt (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) trong năm 2018.

Quy định trong pháp luật quốc tế và quốc gia

Quyền con người trong lao động là những quyền liên quan đến điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động, bao gồm quyền đảm bảo vị trí việc làm, chế độ lương, thưởng, nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, bảo hiểm xã hội, an sinh, an toàn lao động… và được ghi nhận, xem xét, đảm bảo trên cả bình diện quốc tế và quốc gia.

Quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động: Những thách thức cần giải quyết
Quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động: Những thách thức cần giải quyết

Quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động là một bộ phận cơ bản trong quyền con người về lao động, được quy định tại các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người và được thực thi từ rất sớm.

Điều 3 (Mục 1) của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, điều kiện và thuận lợi của công việc và bảo vệ chống thất nghiệp”.

Năm 1966, Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR) tại các điều 6, 7, 8 quy định các yếu tố cốt lõi của quyền làm việc bao gồm: Cơ hội việc làm; tự do lựa chọn công việc; điều kiện làm việc thuận lợi; không bị phân biệt đối xử; quyền thành lập, gia nhập công đoàn. Bên cạnh đó, Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Công ước số 131 về ấn định lương tối thiểu; Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử trong công việc đều đề cập quyền của người lao động.

Với khoảng 55,4 triệu người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên, để phát triển thị trường lao động và tạo việc làm đảm bảo thu nhập và đời sống của người lao động, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm củng cố hệ thống chính sách, pháp luật về lao động và nâng cao hiệu quả các biện pháp triển khai trong thực tế.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có các quy định cụ thể “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi; nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu” (Điều 35), “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động; Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định” (Điều 57).

Đồng thời được cụ thể hóa trong Bộ luật Lao động 2012, đặc biệt là tại Điều 5 (quyền và nghĩa vụ của người lao động), Điều 10 (quyền làm việc của người lao động), cũng như các quy định tại chương VI (tiền lương), chương VII (thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi) và chương IX (an toàn lao động, vệ sinh lao động).

Pháp luật bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động, quy định chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo chế độ lương, thưởng cho người lao động.

Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng thường xuyên được nâng cao theo các Nghị định của Chính phủ. Nhà nước có chính sách “khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật lao động”, “các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động” (theo Điều 4, Điều 102 Bộ luật Lao động 2012).

Pháp luật Lao động Việt Nam quy định người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đúng thời hạn, trả lương cao hơn khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trả lương những thời gian nghỉ được pháp luật quy định (ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng), trả lương khi ngừng việc không do lỗi của người lao động; người sử dụng lao động không được khấu trừ vô nguyên tắc, không được xử phạt bằng hình thức cúp lương, phải đảm bảo lương cho người lao động thử việc, bị điều chuyển công việc, gặp rủi ro…

Quyền lợi của người lao động được cụ thể hóa trên nhiều khía cạnh khác nhau như ốm đau, bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp, thai sản, hưu trí, trợ cấp thất nghiệp… tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 với hàng loạt các điều khoản; Quyết định số: 595/QĐ-BHXH trong đó quy định nghĩa vụ bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động cho người lao động với hợp đồng từ 01 tháng làm việc trở lên.

Pháp luật bảo vệ quyền lợi của người lao động được nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, đáp ứng các điều kiện về môi trường lao động.

Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2012 các quy định về “Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi” tại Chương II từ Điều 104 đến Điều 117 được tính toán dựa trên cơ sở sinh học, tâm lý và xã hội để đảm bảo sức khỏe cho từng nhóm người lao động khác nhau trong xã hội trên cơ sở giới tính, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, môi trường làm việc và từ Điều 133 đến Điều 152 quy định các nội dung đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động; Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó nêu rõ các vấn đề như: Đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động; khám, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe cho người lao động; huấn luyện, trang bị phương tiện bảo hộ cho người lao động làm công việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại.

Cần bảo đảm thực thi trên thực tiễn

Trong những năm qua, việc thực thi “quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động” đã được các cấp, các ngành, người sử dụng lao động quan tâm và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, thậm chí là sai phạm trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện những quy định liên quan. Mức lương tối thiểu được xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học nhưng chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động, có những nhu cầu chưa được xác định đầy đủ hoặc việc xác định nhu cầu đó đã trải qua một thời gian dài, không được xác định lại nên không còn phù hợp.

Trong khu vực Nhà nước, tiền lương còn thấp và bình quân, không đủ đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức. Khu vực doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương chủ yếu do doanh nghiệp ấn định, việc tính lương làm thêm ngoài giờ còn bất cập, vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người lao động. Các chế độ chăm sóc y tế, trợ cấp ốm đau, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, quỹ lương hưu, bảo hiểm không đảm bảo ổn định.

Nhiều lao động nữ sau thời gian thai sản, lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp, mất sức lao động chưa được đảm bảo đầy đủ lương và các chế độ khác. Các điều kiện lao động như thiết bị bảo hộ lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn hạn chế, đảm bảo nhu cầu ăn, ở của người lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp chưa đạt nhu cầu tối thiểu.

Những tồn tại trong việc thực thi quy định của pháp luật về quyền được đảm bảo thu nhập và đời sống của người lao động dẫn tới những tình trạng năng suất lao động giảm.

Những vi phạm quyền lợi của người lao động dẫn đến tình trạng tranh chấp trong quan hệ lao động với quy mô ngày càng nhiều và ngày càng lớn, khi tranh chấp lao động không được giải quyết sẽ dễ dẫn tới đình công gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của công nhân, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu công nghiệp, ví dụ như vụ đình công của 10.000 công nhân công ty giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) đầu năm 2010; vụ đình công của 90.000 công nhân công ty PouYoen (khu công nghiệp Tân Tạo – Thành phố Hồ Chí Minh) năm 2015; năm 2017, cả nước đã xảy ra 314 vụ đình công và ngưng việc tập thể (tăng 28 cuộc so với năm 2016), trong đó, hơn 80% số vụ đình công nhằm đòi hỏi về lợi ích; 59,72% xuất phát từ vấn đề lương, thưởng.

Để đảm bảo thực thi “quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động” trong các văn bản pháp luật, phòng ngừa các tranh chấp lao động dẫn tới đình công trái phép, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động. Ngành lao động – thương binh và xã hội cần thường xuyên đi sâu nắm tình hình, phổ biến các quy định pháp luật để người lao động nhận thức được đầy đủ quyền và lợi ích của mình, nhất là về vấn đề lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, nghỉ ngơi, hưu trí. Đồng thời, phải tiến hành công tác vận động quần chúng, phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp có liên quan giải tỏa những vướng mắc, bức xúc trong tâm lý người lao động, phòng ngừa, hạn chế nguyên nhân, điều kiện xảy ra các vụ đình công trái pháp luật.

Thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lao động trong đó có quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn… cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, chế độ ốm đau, thai sản, an toàn và vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động đối với cơ quan, doanh nghiệp

(đặc biệt là chủ sử dụng lao động người nước ngoài tại các khu công nghiệp, khu chế xuất) để có hình thức xử lý với trường hợp chủ sử dụng lao động chỉ xây dựng thang lương, bảng lương cao hơn lương tối thiểu không đáng kể, nhưng bỏ qua các khoản thu nhập khác của người lao động như tiền thưởng, tiền tăng ca, thâm niên; phát hiện và có chế tài nghiêm khắc với số chủ doanh nghiệp nước ngoài không ký hợp đồng với người lao động, tổ chức làm thêm vượt quá thời gian quy định, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (thậm chí đánh đập, mạt sát công nhân) gây bức xúc trong tập thể người lao động.

Nâng cao hơn nữa vai trò của công đoàn, các đoàn thể quần chúng tại doanh nghiệp trong bảo vệ “quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống” của người lao động. Trên thực tế, vai trò của công đoàn tại khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu công nghiệp còn rất hạn chế. Thậm chí, nhiều nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn.

Vì vậy, cần xây dựng và triển khai chương trình phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, tập trung vào xây dựng, củng cố công đoàn trong doanh nghiệp FDI và tăng cường số lượng đoàn viên trong thời gian tới. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể quần chúng trong các cơ quan, doanh nghiệp để hướng hoạt động của các đoàn thể này đi vào thực chất, cùng tổ chức công đoàn đảm bảo tốt nhất “quyền được bảo đảm thu nhập và đời sống của người lao động”.

Phòng ngừa, kịp thời giải quyết khi xảy ra những vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp trong quan hệ lao động. Từ đó, kịp thời phát hiện những dấu hiệu, nguy cơ dẫn tới đình công để chủ động phòng ngừa, tránh bị động, bất ngờ; nhanh chóng nhận diện những hoạt động lợi dụng đình công phá hoại an ninh trật tự để có chủ trương, biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.■

Nhân Quyền Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *