Chứng kiến sự mến mộ, biết ơn và kính trọng của các tầng lớp Nhân dân đối với vị Tổng Bí thư đáng kính của mình, ngoài việc Ban tổ chức lễ tang tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà tang lễ, từ ngày 24/7, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công an đã phối hợp triển khai hình thức “Sổ tang điện tử” để nhân dân gửi lời chia buồn, tri ân, chia sẻ ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua tính năng “Sổ tang điện tử” trên ứng dụng VneID. Thông qua “sổ tang điện tử” người dân có thể bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn về một nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm lòng, một nhân cách lớn của vị Tổng Bí thư – “Tổng Tư lệnh của lòng dân”. Chỉ sau ít giờ triển khai, ứng dụng “Sổ tang điện tử” đã nhận được hàng triệu lời chia buồn, tri ân và chia sẻ những ký ức, kỷ niệm đẹp của nhân dân về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ấy thế những một số kẻ bất mãn, chống đối chế độ như Phạm Đình Trọng lại ra sức xuyên tạc hình thức chia buồn này, cho đây là điều “không bình thường” và rêu rao rất thô thiển trên mạng xã hội, thậm chí còn lố bịch gọi đây là “nhắc nhở” người dân gửi lời chia buồn đến gia đình Tổng Bí thư” và đểu cáng tung ra lời bình: “Tranh thủ thực hiện rồi đi phụ hồ thôi”.
Trên thực tế, nhìn dòng người dài hàng km đến nhà tang lễ tiễn đưa cố Tổng Bí thư, trong đó có cả những cựu chiến binh già nhờ con cháu đưa đến, có các thương binh ngực đeo huân chương chống nạng, có những cụ ông, cụ bà ngồi xe lăn ôm di ảnh Tổng Bí thư đều xếp hàng chờ được vào viếng thì ông Phạm Đình Trọng nghĩ gì?
Trong ngày an táng, bất chấp nắng nóng, trên con đường dài hàng chục km, vẫn kín hai bên đường mọi tầng lớp nhân dân mặc áo đen, giương di ảnh hay lời tiễn biệt hoặc cầu nguyện hoặc hô to lời ghi ơn…đầy xúc động, không hiểu ông Phạm Đình Trọng có nghĩ họ bị “cưỡng ép” ra đường không?
Vô số văn nghệ sĩ bày tỏ lòng tiếc thương bằng các tác phẩm âm nhạc, hội họa, văn thơ… Có họa sĩ dành cả ngày cả đêm thực hiện bức tranh về Tổng Bí thư, đã có nhiều nhạc sĩ nghiệp dư sáng tác ca khúc xúc động về ông và được người dân đón nhận, hẳn có ai “cưỡng ép” họ bày tỏ sự chân tình đó không?.
Thiết nghĩ, nếu ông Phạm Đình Trọng mắt chưa bị mù, tai chưa bị điếc mà chứng kiến người dân đội nắng dầm mưa, thức khuya dậy sớm chờ đợi chia tay lần cuối với vị lãnh tụ mà họ kính yêu, thì không biết ông ta sẽ xấu hổ như thế nào khi thở ra cái giọng về cái gọi là Bộ Công an “nhắc nhở” người dân gửi lời chia buồn đến gia đình Tổng bí thư”.
Có thể thấy, trò công kích sổ tang điện tử nằm trong ý đồ, động cơ, dã tâm bôi nhọ cố Tổng Bí thư và chế độ của những thành phần cơ hội, chống phá đất nước. Họ hậm hực, cay cú trước uy tín cá nhân của cố Tổng Bí thư trong lòng dân. Càng như vậy, nhân dân càng thấy rõ bộ mặt xấu xa, bẩn thỉu của những kẻ khoác lên mình hết tấm áo này, danh nghĩa kia nhưng chưa bào giờ thực tâm vì dân vì nước.