Là một quốc gia với truyền thống hiếu học trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của mình, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu trong việc kiến tạo, phát triển một xã hội Việt Nam hiện đại, bền vững và thịnh vượng trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có những đi ngược lợi ích quốc gia – dân tộc, mọi điều tốt đẹp đều bị xuyên tạc, hướng lái tiêu cực, trong đó giáo dục là mục tiêu trọng điểm, thường trực. Chúng triệt để khai thác mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận đăng tải bài viết kiểu như “Giáo dục XHCN: Quan ăn cỗ, dân ăn hôi. Dân muốn có chữ phải nhừ thân!” hoặc “Thấy Tây khen rồi tự sướng…” (Thoibao.de); “Chuyện mùa thi” (việt tân); “Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “nền giáo dục Việt Nam không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường”, “một chính sách giáo dục thất bại, đi lạc đường, không coi trọng tính nhân văn”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn toàn thất bại”. “Giáo dục Việt Nam: Từ lời khen của The Economist đến thực tế nhọc nhằn”. “Lời khen của The Economist chưa chính xác, vì không nắm rõ được thực tế ở Việt Nam”…(BBC, RFA, VOA). Điểm chung đều lợi dụng triệt để những tồn tại, hạn chế của nền giáo dục và đào tạo, đưa ra những luận điệu phủ nhận rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do sai lầm trong đường lối của Đảng, sự quản lý yếu kém của Nhà nước, nên cần “thay đổi nền giáo dục nước nhà” rồi “cần đưa nhiều học sinh sang các nước tư bản học đại học để thay đổi cách nhìn nhận giáo dục một chiều như ở Việt Nam”..vv. Bên cạnh đó, chúng tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ, coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để Việt Nam “mở mang tiền đồ đất nước”.…
Nhận diện những luận điệu này có thể khái quát một số điểm chung sau:
Một là, phủ nhận hoàn toàn sạch trơn những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam, chúng cố gắng xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về Giáo dục và Đào tạo. Một số yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo được họ khai thác triệt để, cho rằng đó là do lỗi của sự lãnh đạo và quản lý, ở đây họ chỉ nhìn thấy lỗi, thấy khuyết điểm mà không hề thấy những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được, mà những thành quả đó là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước;
Hai là, khoét sâu vào một số biểu hiện đơn lẻ còn tồn tại của nền giáo dục rồi quy đó là bản chất của nền giáo dục Việt Nam, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước;
Ba là bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục, rồi tiếp đến bôi nhọ nền giáo dục XHCN, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, ra sức quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây và Mỹ coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”. Nguy hiểm hơn, họ còn đòi loại bỏ các môn lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi chương trình đào tạo tại các nhà trường đại học tại Việt Nam….
Thực tiễn, thành tựu của giáo dục Việt Nam đã đạt được trong suốt những năm qua là một điều không cần bàn cãi, đã được nhiều tạp chí, báo có uy tín trên thế giới công nhận. Thậm chí một tờ báo uy tín hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh là tờ “The Economist” vào ngày 29/6/2023 đã đăng bài viết với tiêu đề “Why are Vietnam’s schools so good?” (Tạm dịch là: Tại sao các trường học ở Việt Nam lại tốt như vậy”), toàn bộ nội dung bài viết đánh giá cao hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và đáng giá cao năng lực giáo viên, họ đánh giá các trẻ em ở Việt Nam được học ở một trong những hệ thống trường học tốt nhất trên thế giới với chi phí hợp lý, dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới World Bank chỉ ra rằng, điểm học tập tổng thể của học sinh, sinh viên Việt Nam đã vượt trội không chỉ với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, mà đã vượt qua cả Vương quốc Anh và Canada, các quốc gia giàu hơn 6 lần so với Việt Nam. Bài viết đã có những phân tích, nhận định khách quan, dựa trên những số liệu cụ thể từ các kết quả nghiên cứu của các tổ chức uy tín quốc tế như: Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới; nghiên cứu của ông Abhijeet Singh tại Trường Kinh tế Stockholm; nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu có trụ sở tại Washington, D.C.
Những ngày gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của học tập và nghiên cứu tại bậc Phổ thông trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương tại các kỳ thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. Năm 2023, đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế tại Nhật Bản từ ngày 2 đến 12/7 đã mang về cho Tổ quốc 6 tấm huy chương, gồm hai vàng, hai bạc và hai đồng, Việt Nam xếp thứ 6 toàn đoàn trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đội tuyển tham dự. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2023 gồm 4 học sinh dự thi, kết quả gồm 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc, trong đó có 2 học sinh nằm trong tốp 10 điểm cao nhất.
Đặc biệt, hiện Việt Nam có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh, thành phố với quy mô gần 102 ngàn học sinh; trên 1,1 ngàn trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250 ngàn học sinh. GS.TS Paul Glewwe, Đại học Minesota-chuyên gia và nghiên cứu viên chính của dự án RISE tại Việt Nam cho rằng “Tôi nhận thấy một bước tiến quan trọng của giáo dục Việt Nam là chương trình mới thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, mặc dù còn những tranh luận ở thời điểm mới bắt đầu. Rõ ràng, đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nằm trong kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Việc Việt Nam lần thứ 5 trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 (tháng 11/2021) đã khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và những đóng góp chủ động, tích cực, hiệu quả của nước ta đối với các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên các lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Những thành tựu đáng ghi nhận đó đã góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực, đối tượng thù địch, phản động về nền giáo dục nước ta, đó là những tiếng nói lạc lõng cần phải thôi ngay.