Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
10094

Nguy cơ từ những đám đông ‘xả hơi’ hậu Covid-19

Khi nhiều người được tự do tận hưởng cuộc sống sau thời gian dài hạn chế vì Covid-19, những thảm kịch như vụ giẫm đạp Hàn Quốc luôn tiềm ẩn.

Ra khỏi quán bar gần con hẻm ở Itaewon tối 29/10, Kim Se-eun, sinh viên 24 tuổi, đối mặt với biển người đang nhích từng chút về phía trước. Cô nắm chặt tay bạn trai khi họ bị cuốn vào dòng người mà không thể quay lại hay di chuyển theo bất kỳ hướng nào.

Đám đông đã ép cô vào một bức tường dọc con hẻm, khiến cô không thể nhấc nổi cánh tay lên. Một chiếc giày bị tuột khỏi chân và túi của bạn cô biến mất trong đám đông.

“Tôi thở hổn hển”, Kim kể.

Sau đó, cô bất tỉnh. Tỉnh lại vài giờ sau, cô thấy mình nằm ở bệnh viện với những vết xước trên cánh tay và vết bầm tím khắp chân.

Cô là một trong số những người may mắn sống sót sau thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng làm chấn động Hàn Quốc. 156 người đã thiệt mạng và 195 người bị thương, hầu hết là người trẻ. Con hẻm xảy ra thảm kịch dài khoảng 45 m và rộng chưa đầy 4 m, chỉ vừa đủ cho 5-6 người trưởng thành đi cùng một lúc. Nhưng hàng nghìn người đã chen lấn trong con hẻm nhỏ hôm đó.

Đám đông mắc kẹt trong con hẻm ở Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc tối 29/10. Ảnh: Straits Times.

Cảnh sát Hàn Quốc chưa xác định được nguyên nhân gây ra thảm kịch, nhưng thừa nhận đã mắc sai lầm trong cách ứng phó. Trong 4 giờ trước sự cố, người dân đã thực hiện ít nhất 11 cuộc gọi khẩn cấp tới đường dây nóng của cảnh sát để cảnh báo về thảm họa.

“Có rất nhiều người ở đây. Chúng tôi cảm thấy như sắp chết”, một người nói, theo bản ghi cuộc gọi mà cảnh sát Hàn Quốc công bố đầu tuần trước.

Giới chức Hàn Quốc cho biết 137 cảnh sát đã được điều động tới khu vực vào đêm 29/10, nhưng họ chủ yếu được giao nhiệm vụ trấn áp tội phạm ma túy và tình dục. Ngoài cảnh sát, không đơn vị nào khác giám sát lễ hội Halloween ở Itaewon đêm đó.

“Trong thảm kịch này, không có bất kỳ kế hoạch nào được triển khai từ đầu. Do vậy, thật khó để xác định chính xác mọi thứ xảy ra vào đêm đó”, Sunnie Haam, giáo sư về kỹ thuật phòng cháy chữa cháy tại Đại học Seoul chuyên nghiên cứu về an ninh và an toàn đô thị, nói.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất dường như là giới chức địa phương không lường trước những gì họ phải đối phó đêm đó: một đám đông lớn bất thường muốn “xả hơi” sau thời gian dài bị dồn nén năng lượng trong đại dịch.

Các chuyên gia cho hay sau gần hai năm chịu các biện pháp hạn chế chống dịch ở nhiều mức độ khác nhau, hành vi của người dân cũng thay đổi, đặc biệt là nhóm thanh niên. Họ sôi nổi hơn, thiếu kiên nhẫn hơn, dễ cáu giận hơn và không quen bị nhồi nhét cùng người khác.

“Tôi có thể mô tả nó giống như ta lắc một chai soda nhưng không ngờ nó sẽ bị trào khi mở ra”, Ise Murphy, chuyên gia tư vấn an toàn đám đông cho các sự kiện thể thao lớn ở Vương quốc Anh, chia sẻ.

Lễ hội Halloween ở phố Itaewon nổi tiếng là sự kiện đông đúc ở Seoul trong những năm trước đại dịch Covid-19. Nhưng sự kiện đêm 29/10 chứng kiến lượng người đông bất thường, với khoảng 100.000 người đổ về Itaewon.

An toàn tại một loạt sự kiện lớn trên thế giới trong năm qua đã được giám sát chặt chẽ sau khi các đám đông dẫn tới hỗn loạn và tử vong. 10 người đã chết trong buổi biểu diễn của Travis Scott ở Houston vào tháng 11 năm ngoái, sau khi người hâm mộ lao lên phía sân khấu.

Theo cuộc điều tra độc lập được công bố tháng trước, hàng trăm người đã bị thương trong khi chờ vào sân vận động ở Pháp để theo dõi trận chung kết Champions League hồi tháng 5, do “thất bại nghiêm trọng” của ban tổ chức về các biện pháp an toàn.

“Các buổi biểu diễn hay sự kiện không được tổ chức trong hơn hai năm vì đại dịch, nên có thể nói rằng nhiều khán giả không có kinh nghiệm ứng phó tình huống khi tham gia”, Jon Corbishley, chuyên gia về an toàn đám đông ở Australia, chia sẻ.

Ông thêm rằng một số người trẻ tuổi với ít trải nghiệm trước đại dịch “chắc chắn không biết cách ứng phó khi ở giữa một không gian đông đúc”.

Địa điểm xảy ra thảm kịch giẫm đạp ở phố Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đêm 29/10. Đồ họa: WP.

Hàn Quốc từng tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn mà không xảy ra sự cố. Tháng trước, nhóm nhạc nổi tiếng BTS có buổi trình diễn miễn phí tại Busan, thu hút khoảng 55.000 người tham gia, trong khi lễ hội pháo hoa quốc tế Seoul cũng thu hút khoảng một triệu người đến các công viên trung tâm thành phố.

Việc Hàn Quốc không xảy ra tai nạn lớn trong các sự kiện trước đây có thể khiến giới chức địa phương phần nào cảm thấy tự tin thái quá. Điều này giải thích tại sao họ không phản ứng quyết liệt hơn khi nhận được cuộc gọi về đám đông chen lấn nhiều giờ trước khi thảm kịch xảy ra, theo Lim Joon-tae, hiệu trưởng trường cảnh sát và tư pháp hình sự thuộc Đại học Dongguk ở Seoul.

Ngoài ra, đơn vị cảnh sát tuần tra ở Itaewon cũng thường xuyên phải xử lý số cuộc gọi khẩn cấp lớn ngay cả trong những ngày bình thường. Vì vậy, giáo sư Lim cho rằng các cuộc gọi khẩn cấp cảnh báo về nguy cơ giẫm đạp ở Itaewon có thể đã bị lẫn trong hàng loạt yêu cầu cần xử lý khác.

Sau khi vụ giẫm đạp được báo cáo lúc 22h15 tối 29/10, đội ứng phó khẩn cấp phải mất gần 85 phút để đến hiện trường, theo dữ liệu do Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul (SMPA) cung cấp cho nghị sĩ Lee Tae-won của đảng Dân chủ đối lập.

Xe cứu thương đầu tiên đến lúc 22h42 phút, nhưng do đám đông “xả hơi” tiếp tục ùn ùn từ ga tàu điện ngầm kéo tới Itaewon, họ phải mất gần 45 phút mới đưa được bệnh nhân đầu tiên rời đi, theo hồ sơ của nghị sĩ đảng cầm quyền Chung Woo-taik.

Các nhân chứng cho biết cảnh sát và lính cứu hỏa không có đủ nhân lực để hỗ trợ, cấp cứu hàng trăm nạn nhân cùng lúc. Tiếng nhạc lớn từ các cơ sở kinh doanh xung quanh khiến cảnh sát khó truyền đạt thông điệp tới đám đông hơn. Nhiều người có mặt tại hiện trường đã hỗ trợ đội ứng phó di chuyển các thi thể ra đường chính hoặc các nhà hàng gần đó. Tình nguyện viên khác giúp hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân.

Đường phố Itaewon vắng lặng trong suốt những ngày sau thảm kịch. Hầu hết doanh nghiệp treo biển thông báo đóng cửa tới khi quốc tang kết thúc vào ngày 5/11. Thậm chí một tài xế còn từ chối lái xe đến ga Itaewon. “Tôi thấy quá đau lòng nếu tới đó vào lúc này”, anh nói.

Hàng chục người đã tập trung gần con hẻm xảy ra tai nạn, đặt hoa cúc trắng để tưởng nhớ các nạn nhân hôm 3/11. Những người trẻ khóc nức nở khi thắp nến và đặt chai rượu soju trước ga Itaewon. “Hãy tận hưởng tuổi trẻ của bạn ở một nơi tốt đẹp hơn”, một lời nhắn được để lại nơi xảy ra thảm kịch.

Cách nơi xảy ra vụ tai nạn không xa, một nhà thi đấu cầu lông được trưng dụng làm nơi chứa 1,5 tấn vật dụng mà các nạn nhân bỏ lại sau thảm kịch, chờ người nhà hoặc bạn bè đến nhận, từ giày dép, son môi cho tới kính mắt và thẻ tín dụng.

Lee Ji-soo đến đây để lấy chiếc mũ bóng chày màu đen của một người bạn đang nằm viện. “Điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc mũ này là món đồ cuối cùng của cậu ấy mà tôi được chạm vào?”, Lee nói, cho biết bạn của anh vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Giới chuyên gia lo ngại khi các biện pháp hạn chế Covid-19 cuối cùng được dỡ bỏ và những người yêu thích tiệc tùng đổ xô tới các sự kiện đông người, những thảm kịch có thể tiếp tục xảy ra.

“Trong tương lai gần, bất kỳ sự kiện đông người nào cũng có nguy cơ dẫn tới thảm họa cao hơn vì chúng ta đang ở thời kỳ hậu Covid-19”, Paul Wertheimer, chuyên gia Mỹ về an toàn đám đông kiêm cố vấn cho các chính phủ, cảnh báo.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *