Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ chối thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ nói là đáng tiếc cho quan hệ Việt Mỹ, tiếc cho cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện ký kết giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không được hiện thực hóa
Trong thời gian Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét yêu cầu này từ phía Việt Nam, đã có một chiến dịch vận động, chống phá.
Ngày 12/7/2024, VOA Tiếng Việt đưa cái gọi là đại diện của 22 tổ chức Việt Nam và một tổ chức của người Khmer cùng một tổ chức của người Philippines viết trong lá thư (gồm: Việt Tân, Hội Bảo vệ Người lao động Việt Nam, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Hội Anh em Dân chủ) đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Joe Biden, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ để thúc giục chính quyền Hoa Kỳ từ chối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam vào lúc này. Các tổ chức này trích dẫn các lá thư của các nhà lập pháp Mỹ về 6 yếu tố pháp lý theo Đạo luật Thuế quan mà Bộ Thương mại Mỹ phải xem xét khi đánh giá yêu cầu của Việt Nam và cho rằng “thực tế là Việt Nam không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào để được xếp vào nền kinh tế thị trường.”!?
Trước đó, 25 dân biểu và 8 thượng nghị sỹ Mỹ cũng như Ủy ban Thép cũng có hành động kêu gọi Chính quyền Hoa Kỳ từ chối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Mới đây, ngày 26/7/2024, VOA Tiếng Việt đưa tin, một nhóm gồm 7 thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đồng thời hối thúc hãy bảo vệ các ngành công nghiệp cũng như lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Họ viện dẫn lý do “chính quyền Việt Nam kiểm soát đồng tiền của quốc gia này, thiếu quyền lao động và nhà nước cộng sản ra tay can thiệp sâu rộng”!?, do đó, việc trao cho Việt Nam quy chế nền kinh tế thị trường “sẽ tàn phá các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ vốn đã bị thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng của Việt Nam”!?.
…
Chắc chắn kẻ vui mừng nhất là những thành phần như 22 tổ chức mang danh người Việt Nam nhưng rặt là các phần tử phản động, cực đoan, thậm chí tổ chức khủng bố như Việt Tân…, luôn có thái độ cực đoan, hằn học với thành tựu công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước. Họ luôn mặc cảm, định kiến và thâm thù với chế độ, rắp tâm chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chỉ muốn Việt Nam thụt lùi, tụt hậu, trì tệ, lệ thuộc vào nước ngoài. Không dừng lại, càng gần đến ngày Mỹ đánh giá, xem xét việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các tổ chức, phần tử chống đối càng hoạt động ráo riết, điên cuồng hơn.
Xét về tiêu chuẩn và áp đặt kiểu như “Đồng tiền của Việt Nam không được tự do chuyển đổi. Việt Nam không bảo vệ sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý. Nhà cầm quyền nước này duy trì quyền kiểm soát đáng ngại về giá cả và sản xuất thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp được nhiều trợ cấp…”!? Hay như nhóm các nhà lập pháp Mỹ còn cho rằng “nếu công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tình trạng người Mỹ mất việc làm và gây tổn hại cho người lao động Mỹ”!? cho thấy thiếu thuyết phục, mang tính suy diễn, cáo buộc vô căn cứ.
Về “Mức độ chuyển đổi của đồng tiền” thì việc nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam là một mục tiêu đã được khẳng định trong Pháp lệnh Ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách tỷ giá nổi có quản lý, mở rộng biên độ từ 1% lên 3% năm 2015, và hiện tại là 5%. Để đồng Việt Nam trở thành đồng tiền thực tế tự do chuyển đổi, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo các cân đối vĩ mô như kiểm soát lạm phát thành công trong những năm qua (trong bối cảnh lạm phát cao trên thế giới), xóa bỏ thành công tình trạng đô la hóa nền kinh tế, tăng cường niềm tin của người dân với đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ, hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối và đổi mới chính sách tiền tệ tỷ giá.
Một điểm cần lưu ý là đồng Việt Nam từng bị đưa vào danh sách giám sát theo dõi thao túng tiền tệ, mới nhất là trong Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ tháng 11/2023 do có thặng dư thương mại với Mỹ (quốc gia xuất siêu sang Mỹ lớn thứ ba) và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luôn tăng cường hợp tác ngoại giao với Chính phủ Mỹ về các vấn đề tiền tệ và sau đó Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Theo GS. David Dapice (Đại học Harvard), tỷ giá hối đoái của Việt Nam được quản lý nhưng không bị thao túng vì lợi ích không công bằng.
Về “Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động”. Minh chứng là,Việt Nam đã có đầy đủ các bộ luật để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên như Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật phòng chống mua bán người. Cá nhân tôi tin rằng, việc xác định tiền lương thực sự thông qua thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động, dù xin lưu ý điểm này phía phản đối vẫn còn đang có những tranh luận. Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Việt Nam đồng ý trao cho các liên đoàn lao động độc lập một vai trò lớn hơn. Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ tới, thể hiện nỗ lực bảo vệ quyền con người và quyền của người lao động. Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế: Tiêu chí này Việt Nam đã đáp ứng rất rõ ràng.
Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang đầu tư tại Việt Nam. Khu vực FDI chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% xuất khẩu của Việt Nam. Theo Luật sư Eric Emerson từ công ty luật Steptoe LLP đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines, những nước đã được Mỹ coi là nền kinh tế thị trường. Trợ cấp cho cách doanh nghiệp nhà nước đã được cắt giảm, và qua các kỳ Đại hội Đảng, vai trò của kinh tế tư nhân đã chính thức được khẳng định và nhấn mạnh. Kinh tế tư nhân đóng góp gần 45% GDP cả nước, cao nhất trong 3 khu vực nhà nước, tư nhân và FDI. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 – 65%”; “tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 – 35% GDP”.
Về Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả.Việt Nam đã từ bỏ kiểm soát giá cả. Luật Giá 2023 đã loại trừ các mặt hàng như điện, muối đường, chỉ giữ lại chín mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá: xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng, sữa công thức cho trẻ em, gạo, thức ăn gia súc, vaccine, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thiết yếu cho con người. Các biện pháp can thiệp cũng được quy định rõ chỉ sử dụng trong thời gian nhất định do lý do khẩn cấp như thiên tai, gián đoạn chuỗi cung ứng. Gần đây nhất, Hôm 5/7, Phái đoàn ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông báo đưa ra rằng, họ hoan nghênh chính phủ Việt Nam ngày 03/7/2024, đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn. Việt Nam cho phép các công ty lớn mua trực tiếp điện sạch để đáp ứng mục tiêu khí hậu. Mặc dù quy mô thương mại của Việt Nam nằm trong top 20 của thế giới, với độ mở của nền kinh tế (tổng xuất nhập khẩu/GDP) rất cao khoảng 185%.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của mình do Mỹ chưa công nhận là nền kinh tế thị trường. Nhiều tiếng nói từ công luận, từ nhóm doanh nghiệp của Mỹ yêu cầu Chính phủ Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam thúc đẩy và vì lợi ích giao thương hai bên, vì lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được 72 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, gần đây Vương quốc Anh.
Ths. Phan Minh Hòa, Giảng viên ngành Kinh tế, Đại học RMIT thừa nhận: “Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy. Dù đương nhiên chưa đáp ứng hoàn hảo, nhưng với những nỗ lực Việt Nam đã thực hiện và sự ghi nhận của những đối tác lớn, Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường”.
Nhưng nên nhớ, Việt Nam sẽ không vì lý do này mà thay đổi hay từ bỏ con đường đã lựa chọn. Sự phát triển mạnh mẽ những năm qua đã chứng minh, dù không có sự công nhận này, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn thúc đẩy các hợp tác song phương, đa phương, vẫn kiên định lý tưởng và quyết tâm của mình và chắc chắn sẽ đạt mục tiêu trung hạ, dài hạn đề ra, dù có thách thức và khó khăn đến đâu.