Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
3075

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: cầu nối hòa bình trong ngoại giao nhân dân

Với bề dày lịch sử, truyền thống và giá trị văn hóa tôn giáo phong phú, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) không chỉ là tổ chức tôn giáo có nhiệm vụ hoằng pháp mà còn là cầu nối quan trọng trong công tác đối ngoại nhân dân, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các tổ chức hữu nghị nhân dân

GHPGVN đã xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới và tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, trở thành thành viên sáng lập và nòng cốt của các tổ chức quan trọng như Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB), Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP), Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC) và Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc (ICDV).

Các quan hệ này không chỉ thúc đẩy giao lưu tôn giáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại giao nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết giữa các quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Đông Á. GHPGVN cũng duy trì quan hệ hữu nghị với các tổ chức Phật giáo tại Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ…, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Bên cạnh đó, GHPGVN cũng tích cực tham gia các tổ chức hữu nghị nhân dân như Hội hữu nghị Việt Nam – Lào, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ… Các đại diện của Giáo hội đã đóng vai trò cầu nối trong việc thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và các nước, thông qua việc tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân, tổ chức nhiều sự kiện giao lưu văn hóa và trao đổi Phật giáo quốc tế.

Dấu ấn từ việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc

Một trong những sự kiện quan trọng nhất mà GHPGVN đã tổ chức là ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014 và 2019. Sự kiện này không chỉ thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu từ hơn 100 quốc gia mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Nghi lễ tắm Phật tại Vesak 2014 ở Việt Nam. (Ảnh: Báo VnExpress)

Đặc biệt, Đại lễ Vesak 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, Hà Nam với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tham gia sự kiện có nhiều nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo tổ chức quốc tế, cho thấy tầm ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao tôn giáo.

Sự thành công của các kỳ Đại lễ Vesak đã không chỉ giới thiệu giá trị tinh thần Phật giáo Việt Nam, mà còn là một dấu ấn quan trọng trong việc nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân.

Công tác từ thiện quốc tế và đối ngoại nhân dân

Tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo Việt Nam không giới hạn ở trong nước mà còn lan tỏa rộng rãi thông qua các hoạt động từ thiện quốc tế. Trong đại dịch COVID-19, GHPGVN đã ủng hộ vật tư y tế và tài chính cho Ấn Độ, Lào, Campuchia và Sri Lanka, giúp các nước này vượt qua khó khăn. Đây không chỉ là sự thể hiện của lòng từ bi mà còn góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước láng giềng, nâng cao vị thế nhân đạo của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, tại các địa phương, GHPGVN cũng đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng khó khăn. Các sự kiện như lễ Vu Lan, Tết Nguyên đán, Đại lễ Vesak, cùng các chương trình khám chữa bệnh miễn phí, xây dựng cầu đường tại các vùng sâu, vùng xa đã trở thành cầu nối giúp thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, GHPGVN tích cực tham gia chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, cung cấp học bổng và hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Đây là những nỗ lực nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa các thế hệ trẻ Việt Nam và các nước láng giềng, tạo dựng quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững.

Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsey (Cần Thơ) trong một buổi giảng dạy cho các em sinh viên đang lưu trú tại chùa

Đối thoại liên tôn và giao lưu quốc tế

GHPGVN đã tham gia tích cực vào các diễn đàn đối thoại liên tôn và văn hóa quốc tế, đặc biệt là trong các chương trình của Liên hợp quốc và các diễn đàn khu vực như Đối thoại tôn giáo và văn hóa ASEAN, Đối thoại Liên tôn Á – Âu và Đối thoại Liên tôn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những hoạt động này đã giúp GHPGVN lan tỏa thông điệp về hòa bình, tình thương và trách nhiệm xã hội trong cộng đồng quốc tế.

Năm 2022, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đã đại diện GHPGVN tham dự Đại hội lãnh đạo các tôn giáo thế giới lần thứ VII tại Cộng hòa Kazakhstan. Tại sự kiện này, thông điệp của GHPGVN về sự đoàn kết tôn giáo, giải quyết các vấn đề toàn cầu như xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, đã được lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc chung tay giải quyết những thách thức quốc tế.

Trong tham luận tại tọa đàm “Hoạt động quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” vào năm 2022, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, khi đó là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã đánh giá cao vai trò chủ động và tích cực của GHPGVN.

Bà khẳng định: “Các hoạt động giao lưu và đối ngoại nhân dân của GHPGVN đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, tăng cường giao lưu văn hóa, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về lịch sử, tín ngưỡng văn hóa, tôn giáo, đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời phát huy vai trò của Phật giáo trong việc huy động nguồn lực cho các hoạt động đối ngoại nhân dân”.

Để ghi nhận những đóng góp tích cực và tâm đức của GHPGVN và các chư tăng đối với hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc cho nhiều vị chư tăng của Giáo hội.

Trong tương lai, GHPGVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội lớn để GHPGVN khẳng định vai trò và vị thế của mình, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu từ 80 quốc gia dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam

Tại cuộc họp báo ngày 27/9, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam tổ chức từ ngày 6-8/5/2025 tại cơ sở II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 có chủ đề “Hòa hợp và Bao hàm vì Nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” sẽ có sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu, trong đó khoảng 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 80 quốc gia trên thế giới.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam không chỉ là một sự kiện trong đại của Phật giáo mà còn có ý nghĩa là một sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 cũng là một sự kiện văn hóa, đối ngoại nhân dân, là cơ hội quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Đến nay Đại lễ Vesak đã trải qua 24 lần tổ chức, trong đó có 15 lần tổ chức tại Thái Lan, 1 lần tại Sri Lanka và 3 lần tại Việt Nam. Các kỳ Đại lễ Vesak tại Việt Nam được tổ chức vào các năm 2008 tại Hà Nội, năm 2014 tại Ninh Bình và năm 2019 tại Hà Nam.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *