Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
4062

Giáo dục quyền con người: bước tiến trong thực thi Công ước chống tra tấn tại Việt Nam

Kể từ khi là thành viên Công ước chống tra tấn (Công ước CAT), Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các khuyến nghị quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người. Những bước tiến quan trọng này không chỉ củng cố vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tích hợp giáo dục quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân

Ngày 5/9/2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của Đề án đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Đồng thời, trên cơ sở góp ý của các cơ quan, tổ chức, cơ quan xây dựng Đề án đã có sự điều chỉnh phù hợp với nội dung lồng ghép giáo dục quyền con người cho phù hợp với từng cấp học.

Cụ thể, đối với học sinh tiểu học, các bài học về đạo đức và xã hội giúp học sinh hiểu những nguyên tắc cơ bản của quyền con người và nghĩa vụ tôn trọng các quyền con người của các nhóm đối tượng có liên quan.

Tăng cường đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ở cấp phổ thông cơ sở, số lượng bài học về quyền con người trong chương trình học đã nhiều hơn, các bài học chứa đựng những kiến thức rộng và sâu hơn về quyền con người. Mặc dù vậy, tương tự như ở cấp tiểu học, các bài học về quyền con người ở cấp trung học cơ sở vẫn được thiết kế thông qua những bối cảnh sinh hoạt hàng ngày và phù hợp với nhận thức xã hội của học sinh theo từng độ tuổi, để giúp các em có thể hiểu được các khái niệm và phạm trù đôi khi khá phức tạp trên lĩnh vực này.

Ở cấp trung học phổ thông, môn học Giáo dục công dân đã mang tính lý thuyết và tính khái quát khá cao, nhiều nội dung tương đối trừu tượng với lứa tuổi thiếu niên. Chương trình Lớp 10 có đề cập đến một số nghĩa vụ của công dân nhưng chủ yếu từ khía cạnh đạo đức (đối với cộng đồng, với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), Lớp 11 có các bài: nhà nước xã hội chủ nghĩa (bài 9), nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (bài 10). Các kiến thức về quyền con người tập trung nhiều hơn ở chương trình giáo dục công dân Lớp 12, theo đó học sinh được tiếp cận với nhiều nội dung liên quan đến quyền công dân như bài Hiến pháp, các quyền trong lĩnh vực dân sự (trong bài Luật dân sự), các quyền trong tố tụng và một số quyền trong các lĩnh vực cụ thể như đất đai, thuế, hành chính…

Riêng với bậc học đại học, giáo dục nhân quyền hướng tới hai mục tiêu đó là: đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân quyền phục vụ công tác bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong các trường đại học đào tạo chuyên ngành Luật; giáo dục về nhân quyền cho sinh viên các trường đại học để phục vụ trong các lĩnh vực khác nhau. Tại các trường đại học/cao đẳng hiện nay, quyền con người đã được tích hợp, lồng ghép vào một số môn học như luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật công pháp quốc tế… thậm chí có những cơ sở nghiên cứu và đào tạo đã xây dựng những môn học độc lập.

Các trường đào tạo chuyên ngành luật như Trường Đại học Luật (Đại học quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình giảng dạy chuyên sâu về quyền con người, bao gồm các khóa học độc lập hoặc tích hợp trong các môn luật quốc tế.

Đối với hệ đào tạo sau đại học, hiện nay số lượng các trung tâm nghiên cứu/cơ sở đào tạo có mã ngành đào tạo sau đại học độc lập về quyền con người dù còn khá hạn chế, chỉ có một số chương trình như: Chương trình thạc sĩ chuyên ngành Pháp luật về quyền con người của Đại học quốc gia Hà Nội , chương trình Thạc sĩ về quyền con người của Viện Hàn lâm KHXHVN…

Đào tạo nhân lực chuyên sâu và nâng cao nhận thức xã hội

Việt Nam đã thành lập hệ thống các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về quyền con người như: Viện nghiên cứu quyền con người – VIHR thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân (CRIGHTS, thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về quyền con người và quyền công dân (thuộc Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam như Viện nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu con người… đã thành lập Phòng nghiên cứu về quyền con người. Trong đó có những trung tâm trực tiếp tham gia cả vào hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu nhưng cũng có trung tâm chủ yếu ra đời phục vụ quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về quyền con người. Nội dung giảng dạy và đào tạo cũng được các cơ sở chú trọng kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn nhằm hướng người học đến các nhận thức chung về quyền con người.

Việt Nam thường xuyên cập nhật giáo trình đào tạo, nhất là giáo trình đào tạo đại học (cử nhân luật), đào tạo nghiệp vụ điều tra và các môn học như “Quyền con người trong thế giới đương đại”, “Quyền con người và các yếu tố bảo đảm quyền con người”; đang triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quyền không bị tra tấn, quyền được bồi thường thiệt hại . Đến nay, Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan xây dựng Tài liệu giảng dạy, tập huấn về Công ước CAT, gửi các cơ sở đào tạo để tham khảo xây dựng nội dung tài liệu, giáo trình có liên quan.

Bên cạnh các chương trình đào tạo tập trung, dài hạn, các cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu quyền con người còn tiến hành các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức theo các đề án của Nhà nước; hoặc các chương trình bồi dưỡng kiến thức theo nhu cầu của cơ quan, tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người trong xã hội.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, việc giáo dục quyền con người tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như mức độ đồng đều về nội dung và phương pháp giảng dạy giữa các cấp học và cơ sở đào tạo. Để tăng cường hiệu quả giáo dục quyền con người, các chuyên gia đề xuất sáu giải pháp chính sau:

Thứ nhất, kết hợp có hiệu quả việc giáo dục quyền con người với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Thứ hai, đẩy mạnh các chương trình giảng dạy quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là đào tạo ở bậc đại học và sau đại học.

Thứ ba, cần sáng tạo và vận dụng nhuần nhuyễn tổng hợp các hình thức, phương pháp giáo dục và tuyên truyền, phổ biến quyền con người khác nhau. Bên cạnh đó, cần chú trọng các hình thức giáo dục đặc thù thông qua các hoạt động hoạch định chính sách, đường lối, hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ tư, chú trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn phục vụ công tác giáo dục nhân quyền trong hệ thống các trường đại học. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng có trách nhiệm trong giáo dục quyền con người.

Thứ năm, xây dựng bộ học liệu chuẩn về quyền con người dành cho các hệ đào tạo đại học và sau đại học.

Thứ sáu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn tài chính thích đáng cho các cơ sở đào tạo để thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quyền con người.

Những nỗ lực của Việt Nam trong giáo dục quyền con người đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội và xây dựng một thế hệ công dân có ý thức bảo vệ quyền con người. Đây không chỉ là bước tiến trong thực thi Công ước CAT mà còn là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy các giá trị nhân văn và pháp quyền.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *