Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
31467

Chính sách, pháp luật của các quốc gia đối với người dùng mạng xã hội có vai trò quyết định về phạm vi của tự do ngôn luận trên môi trường trực tuyến. 

Những chính sách, quy định pháp luật về vấn đề này của các nhà nước hiện khá khác nhau. Các chính sách ủng hộ tự do ngôn luận sẽ dẫn tới sự cởi mở của môi trường mạng. Ngược lại, những chính sách hạn chế tự do ngôn luận sẽ dẫn đến việc kiểm duyệt của công ty cung cấp dịch vụ hoặc sự tự kiểm duyệt của chính người dùng. Một số chính sách hạn chế mà các chính phủ đang áp dụng không tương thích với các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế về tự do ngôn luận và biểu đạt.

Các mạng xã hội phụ thuộc nhưng có sự độc lập nhất định với các chính phủ trong việc quyết định phạm vi của tự do ngôn luận trên môi trường trực tuyến. Do phải giải quyết bài toán cân bằng giữa yêu cầu của các chính phủ và yêu cầu thu hút người dùng mạng (để bảo vệ lợi ích của chính mình), các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cụ thể là Facebook và Twitter, đôi khi không chấp nhận những yêu cầu về hạn chế quá mức của các chính phủ. Ví dụ, Twitter chỉ tuân thủ 11% các yêu cầu của các chính phủ nêu ra. Điều này là bởi các mạng xã hội cũng có quyền lực và sự độc lập nhất định để bảo đảm không gian hoạt động riêng mà có thể thách thức đến một mức độ nào đó các yêu cầu hạn chế nội dung từ các chính phủ. Quyền lực và sự độc lập của các mạng xã hội chủ yếu là do ích lợi mà họ mang lại cho các cộng đồng, và theo nghĩa rộng, là cho các quốc gia. Mạng xã hội tuy mới hình thành nhưng hiện đã trở thành không thể thiếu cho sự phát triển về tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá của các cộng đồng và các quốc gia, vì thế các chính phủ không thể đối xử một cách tuỳ tiện và độc đoán với các mạng xã hội. Bên cạnh đó, việc đối xử tuỳ tiện và độc đoán với các mạng xã hội còn có thể gặp sự phản đối của cộng đồng người dùng, các tổ chức quốc tế và các quốc gia khác.

Người dùng mạng xã hội là nhóm dễ bị tổn thương về phương diện nhân quyền. Tính chất dễ bị tổn thương thể hiện ở hai khía cạnh chính đó là tự do biểu đạt và quyền về đời tư. Tự do biểu đạt trên mạng xã hội có thể khiến cho người dùng bị theo dõi, bắt bớ và đàn áp nếu như các công ty cung cấp dịch vụ mạng hợp tác với chính quyền để cung cấp thông tin về người dùng. Quyền về đời tư của người dùng có thể bị vi phạm nghiêm trọng nếu chính sách bảo mật dữ liệu của các mạng xã hội thiếu hợp lý và không được thực thi đầy đủ. 

Phân tích sự chính sách và thực tiễn hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội hàng đầu thế giới hiện nay, có thể thấy rằng các công ty này đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền của người dùng, chủ yếu là để thu hút người dùng mạng, qua đó thu lợi ích từ dịch vụ quảng cáo. Tuy nhiên, mức độ bảo vệ quyền của người dùng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, pháp luật của các quốc gia nơi các công ty này đặt trụ sở, và cả ở những nơi các công ty này cung cấp dịch vụ mạng.

Tính minh bạch trong hoạt động của các mạng xã hội đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Hiện tại, các công ty cung cấp dịch vụ mạng (trừ Weibo) cơ bản đã tuân thủ các nguyên tắc về tự do ngôn luận và quyền riêng tư do Global Network Initiative đề xướng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quản trị nội bộ của các công ty, cũng như về các điều khoản thực thi dịch vụ. Việc thiếu tính minh bạch và nhất quán trong việc thực thi các điều khoản dịch vụ là một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến việc thực thi quyền tự do ngôn luận và quyền bảo vệ đời tư của người dùng mạng xã hội.

PGS.TS Vũ Công Giao

Tài liệu tham khảo

  1. Allen Yu. 23 March 2012. Carnegie Mellon Study on Censorship and Deletion Practices in Chinese Social Media. Stanford Law School Center for Internet and Society Blog. http://cyberlaw.stanford.edu/blog/2012/03/carnegie-mellon-study-censorship-and-deletion- practices-chinese-social-media (Accessed 5 August 2017.)
  2. Bill Harmon. 19 May 2011. 500 million friends against child exploitation. The Official Microsoft Blog. http://blogs.microsoft.com/blog/2011/05/19/500-million-friends-against-child- exploitation (Accessed 5 August 2017.)
  3. David Bamman, Brendan O’Connor and Noah Smith. March 2012. Censorship and deletion practices in Chinese social media. First Monday, Vol. 17, No. 3. http://dx.doi.org/10.5210/fm.v17i3.3943 (Accessed 5 August 2017); 
  4. Edward Wong. 15 May 2010. After Long Ban, Western China Is Back Online. New York Times. www.nytimes.com/2010/05/15/world/asia/15china.html (Accessed 5 August 2017.)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *