Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28238

Ba đại họa ở nước Mỹ và câu chuyện quyền tự do cá nhân

Ba đại họa ở nước Mỹ và câu chuyện quyền tự do cá nhân

Từ đầu năm 2020 liên tiếp xảy ra 3 “đại họa” ở nước Mỹ và câu chuyện quyền tự do cá nhân.

Đại họa thứ nhất là dịch bệnh Covid-19 đã làm 2.094.237 người Mỹ bị lây nhiễm, số người chết là 116.132. Mỹ là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới tính đến thời điểm này.

Đại họa thứ hai xảy ra sau cái chết của công dân da màu 46 tuổi, người Mỹ gốc Phi, George Floyd, do bị viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin dùng đầu gối ghì cổ đến ngạt thở. Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc, phản đối lực lượng cảnh sát lạm quyền lan rộng ra tất cả các bang bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp nước Mỹ. Tình trạng bạo loạn, đập phá siêu thị, cửa hàng, hôi của… lan rộng, có lúc mất kiểm soát.

Đại họa mới đây nhất bắt đầu ngày 8/6/2020 khi hàng trăm người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát đã chiếm một số khu phố tại quận Capitol Hill, thành phố Seattle, bang Washington, lập ra một khu tự trị CHAZ (Capitol Hill Autonomous Zone). Đến thời điểm này, tình hình tại đây vẫn đang rất căng thẳng khi Nhà Trắng và chính quyền địa phương chưa thống nhất với nhau về bản chất vụ việc và cách giải quyết khủng hoảng. Tổng thống Donald Trump gọi những người lập nên khu tự trị này là “những kẻ vô chính phủ”, “những tên khủng bố trong nước” và yêu cầu dùng biện pháp mạnh, trong khi lãnh đạo bang lại gọi họ là “những người yêu nước”, nói rằng “ông Trump không biết gì về quản lý thì đừng nhúng tay vào chuyện của bang Washington” và không chấp nhận cho quân đội liên bang vào để xử lý tình hình.

Cả ba đại họa này đang làm nước Mỹ vô cùng lao đao. Có lẽ chưa bao giờ Mỹ lại phải đương đầu với hàng loạt thử thách nặng nề và liên tiếp như vậy. Trong khi các chính trị gia, các nhà bình luận còn có nhiều bất đồng ý kiến về nguyên nhân, cách xử lý khủng hoảng, có lẽ nên thử nhìn cả ba đại họa trên từ một góc độ khác xem có điểm gì chung không?

Từ lâu nay, Mỹ và nhiều nước phương Tây vẫn luôn tự hào về những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền của mình, coi đó là khuôn mẫu, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của họ. Mỹ luôn phê phán, răn dạy các nước khác thế nào là quyền con người và tìm mọi cách áp đặt những giá trị đó lên các nước trên thế giới. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó.

Trong thời gian đại dịch Covid bùng phát ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, nhiều người Mỹ đã phản đối việc phải đeo khẩu trang, coi việc đeo khẩu trang hay không là quyền tự do cá nhân của họ, thích thì đeo không thích thì thôi. Cả đến khi thiệt hại do Covid gây ra đã quá rõ ràng, nhiều người Mỹ vẫn xuống đường biểu tình phản đối lệnh giãn cách xã hội, yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Tất nhiên, làm gì là quyền tự do cá nhân của công dân, nhưng tự do cá nhân nào cũng nên xuất phát từ lợi ích của cả cộng đồng, trong đó có chính họ. Con số thiệt hại về người và của do Covid-19 gây ra tại Mỹ và một số nước phương Tây khác có lẽ đã làm nhiều người phải suy nghĩ lại về quan niệm tự do cá nhân của mình.

Trong những cuộc biểu tình diễn ra mới đây sau cái chết của công dân da đen gốc Phi George Floyd, có không ít cuộc biểu tình ôn hòa, phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát đã biến thành những cuộc bạo loạn. Nhiều người tham gia biểu tình đã đập phá cửa hàng, siêu thị, ăn cướp hàng hóa. Quyền tự do cá nhân rõ ràng đã bị kích động, lợi dụng. Việc có nhiều người “thành kính, tri ân” một thanh niên da đen có nhiều tiền án, tiền sự như George Floyd, thậm chí muốn dựng anh ta thành biểu tượng có lẽ cũng là một suy nghĩ sai lệch, một sự lạm dụng méo mó các quyền tự do, dân chủ.

Còn trong vụ hàng trăm người lợi dụng biểu tình, chiếm một số khu phố, thành lập “khu tự trị đồi Capitol” (CHAZ) ở bang Washington xảy ra cách đây mấy ngày, thì có vẻ như việc lợi dụng quyền tự do cá nhân đã đi quá mức. Không lẽ luật pháp của một nước nào đó lại cho phép công dân của mình chiếm đất để lập nên một khu tự trị dễ dàng đến thế. Điều này nếu không được làm rõ và giải quyết dứt điểm thì hoàn toàn có thể tạo nên một tiền lệ xấu, khuyến khích những hành vi vi phạm luật pháp, tình trạng vô chính phủ ở những nơi khác.

Tự do cá nhân là quyền của mọi người trên thế giới được quy định trong hiến pháp và các văn bản pháp luật. Nhưng tự do cá nhân không có nghĩa là tự do muốn làm gì thì làm, bất chấp quyền lợi của người khác, quyền lợi của xã hội. Không có thứ “tự do không biên giới”, “tự do cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”. Đó là thứ tự do cá nhân cực đoan, vô lý, không thể chấp nhận.

Ba đại họa của nước Mỹ từ đầu năm 2020 đến nay có lẽ nên là lời cảnh tỉnh cho những ai đó thích phê phán, răn dạy và áp đặt những quan niệm của họ về quyền con người, về tự do cá nhân. Đã đến lúc họ phải nhìn lại chính mình và đánh giá những người khác một cách khách quan hơn./.

Nhân quyền Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *